Bạn Làm Việc Vì Ai? (Bản Đặc Biệt)
Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp ra trường với mong muốn kiếm được công việc nghìn đô, chạy những chiến dịch nghìn tỷ, lãnh đạo nghìn nhân viên,… Nhưng thực tế thì để kiếm được một công việc trong mơ như trên là điều không hề dễ dàng. Các bạn quên mất rằng, trước khi trở thành ông chủ của một công ty lớn, bạn phải là ‘’ông chủ’’của chính mình đã. Trong cuốn sách ‘’Bạn làm việc vì ai?’’, tác giả Ân Nhiên và An Tình Lam đã chỉ ra 5 bước giúp bạn làm chủ chính mình trong công việc.
Dốc hết sức lực
Làm việc nỗ lực là bạn đang xây dựng kỹ năng cho bản thân. Không có gì bạn học tập và tìm hiểu được là lãng phí cả. Bất kể mối quan hệ, kiến thức, ấn tượng hay kỹ năng gì mà chúng ta xây dượng nên, sẽ chỉ thuộc về chúng ta và không ai có thể lấy đi điều đó. Nếu đặt câu hỏi ‘’Bạn làm việc vì ai?’’ thì thực ra bạn luôn làm vì chính bản thân bạn đầu tiên, vì thế hãy luôn nỗ lực hết sức mình.
Tinh thần trách nhiệm quý hơn tất cả
Bất cứ công việc gì cũng cần phải có trách nhiệm, hãy làm hết sức mình, hãy làm thật tốt những gì người khác giao cho, đừng làm qua loa, đừng làm chỉ để mà làm. Hãy luôn xác định “công việc là của mình” tất sẽ có ý thức trách nhiệm.Trong công việc, phải chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, không lùi bước trước mọi khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ được giao, làm việc bằng mọi khả năng, công sức. Hãy nghĩ đã làm được gì, làm việc thật lòng, không nói nhiều, đừng sợ người khác không biết. Người như vậy ai cũng cảm mến, mọi cố gắng chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng!
Đừng biến trung thành thành khẩu hiệu
Khi bạn đi phỏng vấn, có một câu mà chắc chắn công ty nào cũng muốn hỏi, đó là “Bạn sẽ gắn bó với công việc này bao lâu?”. Bởi vì chi phí đào tạo, cũng như bồi dưỡng là không nhỏ, nên các công ty thường đề cao “sự trung thành” của các ứng viên. Theo Allen & Mayer (1990): chú trọng ba trạng thái tâm lý của nhân viên khi gắn kết với tổ chức. Một là, nhân viên có thể trung thành với tổ chức xuất phát từ tình cảm thật sự của họ: họ sẽ ở lại với tổ chức dù có nơi khác trả lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn. Hai là, họ có thể trung thành với tổ chức chỉ vì họ không có cơ hội kiếm được công việc tốt hơn. Ba là, họ có thể trung thành với tổ chức vì các chuẩn mực đạo đức mà họ theo đuổi.Dù bạn là lí do gì, thì trước khi quyết định nộp đơn vào một công ty nào đó, hãy suy nghĩ kỹ xem mình có thể gắn bó được với nó lâu dài hay không.
Bất chấp tất cả
Con người nếu đứng trước hai lựa chọn thì dù có chọn bên nào, thì kết quả cũng sẽ là hối hận. Bản chất con người luôn tham lam, nên nếu chọn bên nào thì cũng sẽ nuối tiếc bên kia. Cách duy nhất để không phải hối hận, chính là không để lại đường lui cho mình, không để mình đứng trước 2 ngã rẽ. Những người dám bất chấp tất cả như vậy, mới có thể một lòng dốc sức vì quyết định của mình thay vì bị sao nhãng bởi hai chữ “nuối tiếc”.
Quý trọng công việc hiện tại
Có rất nhiều người làm giàu từ việc nuôi cá, trồng rau. Làm việc gì không quan trọng, quan trọng là công sức, tâm huyết, tinh thần bạn bỏ ra cho công việc ấy là bao nhiêu. Không có công việc nào có “giá trị” hơn công việc nào. Tất cả những gì chúng ta làm đều đang đóng góp và làm cho xã hội tốt lên. Vì thế, dù bạn có đi bán phân, nuôi lợn hay nhặt rác, thì cũng không có gì phải xấu hổ, mỗi công việc đều là một cơ hội để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy trân trọng và dồn hết tâm sức với nó.
Trước khi có những giấc mộng lớn, hãy bắt đầu từ những ước mơ bé nhỏ. Trước khi mơ dời núi, hãy lo xê dịch những tảng đá; trước khi mơ lấp bể, hãy lo điều khiển những con sông; trước khi mơ về toà lâu đài, hãy lo xây móng thật chắc; trước khi mơ về điều hành một công ty lớn, hãy lo “làm chủ” chính bản thân mình. Đừng luôn tự hỏi “Bạn làm việc vì ai?”, hãy luôn tự nhủ “Phải làm việc hết sức mình”.