Ngựa Lùn Giữa Đàn Kỳ Lân
Câu chuyện của “những kỳ lân” khởi nghiệp
Hầu hết những nhà khởi nghiệp đều được truyền cảm hứng bởi câu chuyện của những "con kỳ lân" như Airbnb, Uber hay Stripe. Ưu tiên của họ là thu hút thật nhiều vốn đầu tư và tăng trưởng quy mô công ty lên bằng mọi giá. Họ nhắm đến danh xưng "doanh nghiệp tỷ đô" và mơ ước về Thung lũng Silicon.
Thế nên với họ, một doanh nghiệp thu về lợi nhuận và phát triển ổn định không được coi là một doanh nghiệp thành công. Qua trải nghiệm của tác giả Sahil Lavingia ở cả Thung lũng Silicon lẫn ở những khu vực ít ồn ào hơn, tác giả đã có cái nhìn ở cả hai môi trường và từ đó đặt ra khái niệm "doanh nhân tối giản".
Nó vẽ ra một chân dung khác về người khởi nghiệp trong thời đại này: đó là người sẽ phát triển sáng phẩm sáng tạo của mình trước khi nghĩ đến việc thành lập công ty, là người ưu tiên doanh thu của công ty hơn là sự tăng trưởng vượt bậc của nó. Nói cách khác, đó là người biết tối ưu hóa mọi nguồn lực, và chỉ mở rộng quy mô khi bản thân công ty đã thật sự sẵn sàng.
Ngựa lùn giữa đàn kỳ lân - Khởi nghiệp tối giản, lợi nhuận tối ưu
Nhiều công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư vì họ không thể gọi vốn cho doanh nghiệp đang phát triển bền vững theo hướng chú trọng lợi nhuận. Kết quả là, họ bị buộc phải theo đuổi những thị trường khổng lồ, cạnh tranh khốc liệt, nơi tăng trưởng là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp chứ không phải doanh thu, lợi nhuận hay tính bền vững.
Trong quá trình dung hòa những khác biệt đó, Sahil Lavingia chia sẻ rằng ông luôn lặp lại những câu hỏi: “Liệu tôi thực sự muốn thay đổi điều gì? Nếu tôi có thể sửa chữa một điều trong thế giới của mình, đó sẽ là gì? Tôi thực sự muốn xây dựng, sở hữu và điều hành loại hình kinh doanh nào?”
Nhiều nhà kinh doanh và những người đang có ý định khởi nghiệp cũng đã trải qua quá trình tự hỏi bản thân rất nhiều và kết quả là đi đến cùng một kết luận. Bạn sẽ bắt gặp nhiều câu chuyện của họ trong cuốn sách Ngựa Lùn Giữa Đàn Kỳ Lân. Trong sách, họ được gọi là những “doanh nhân tối giản” và gọi công ty của họ là “doanh nghiệp tối giản”.
Xây dựng doanh nghiệp tối giản
Một doanh nghiệp tối giản không có nghĩa là bạn sẽ về nhì trong cuộc đua thương trường. Thay vào đó, bạn sẽ tạo ra các công ty bền vững có khả năng linh hoạt chấp nhận rủi ro để phục vụ lợi ích lớn hơn, đồng thời trao quyền cho những người khác làm điều tương tự. Nếu doanh nghiệp của bạn may mắn có lợi nhuận ngay từ đầu, có nghĩa bạn có thể tập trung và kiên định với lý do khiến bạn bắt đầu kinh doanh: mong muốn được giúp đỡ người khác.
Trong lịch sử, các doanh nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ và xã hội. Và ngày nay thì việc này càng được xem trọng hơn, khi luật pháp yêu cầu các tập đoàn lớn phải ưu tiên lợi ích của cổ đông hơn là giá trị mà công ty tạo ra. Trong quá trình viết The Minimalist Entrepreneur: How Great Founders Do More With Less, tác giả đã nghiên cứu vô số ví dụ về các doanh nghiệp như Basecamp, Wistia, Missouri Star Quilt Company và nhiều công ty thẳng-và-thật khác – những công ty với tiềm năng phát triển cực kỳ cao đang tập trung giải quyết các vấn đề thực sự thông qua các sản phẩm, dịch vụ và các ứng dụng hữu ích được công chúng đón nhận; đồng thời vẫn mang về lợi nhuận đủ để nuôi sống công ty.
Họ xây dựng quy trình của riêng mình dựa theo tệp khách hàng mà họ muốn hướng đến, song tất cả đều tập trung vào việc giải quyết vấn đề của khách hàng và không quá cố chấp với vị thế của công ty trên thương trường. Dẫu có điểm khác biệt trong cách thực hiện, song chúng ta vẫn có thể rút ra được nhiều bài học hay qua câu chuyện của từng công ty ấy trong cuốn sách Ngựa Lùn Giữa Đàn Kỳ Lân.