Minh Chứng Thiên Đường
“Con người nên tìm kiếm sự thật,
chứ không phải sự thật mà mình mong muốn.”
- Albert Einstein (1879-1955)
Lúc nhỏ, tôi thường mơ thấy mình biết bay.
Lần nào cũng vậy, tôi thấy mình đang đứng trong sân nhà vào ban đêm, ngước nhìn lên những vì sao, rồi bỗng nhiên tôi bắt đầu bay lơ lửng lên cao. Trong những xăng-ti-mét đầu tiên, tôi như được tự động nhấc bổng lên. Nhưng ngay sau đó, tôi nhận ra là càng lên cao, chuyển động bay lên của tôi càng phụ thuộc vào bản thân tôi - vào nhất cử nhất động của tôi. Nếu trở nên quá phấn khích hay quá chìm đắm vào trải nghiệm này, tôi sẽ lập tức rơi xuống không phanh... ngã oạch trên đất. Nhưng nếu tôi cứ giữ tinh thần thoải mái, điềm tĩnh đón nhận mọi chuyện xảy ra, thì tôi sẽ bay lên cao, càng lúc càng nhanh về phía bầu trời sao.
Có lẽ những giấc mơ đó là một phần lý do vì sao khi lớn lên, tôi dành nhiều tình yêu cho máy bay và tên lửa - những thứ có thể đưa tôi lên lại với thế giới ở trên cao kia, bên trên thế giới này. Trong những chuyến bay cùng với gia đình, tôi thường gí sát mặt vào cửa sổ máy bay từ lúc cất cánh cho đến khi hạ cánh. Vào mùa hè năm 1968, khi tôi mười bốn tuổi, tôi đã tiêu toàn bộ số tiền kiếm được từ công việc cắt cỏ vào lớp học lái tàu lượn với một anh tên là Gus Street ở Strawberry Hill, một “sân bay” nhỏ - thực chất là một dải cỏ - ở rìa phía tây của Winston-Salem thuộc bang Bắc Carolina, thị trấn nơi tôi lớn lên. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác tim mình đập thình thịch khi kéo cái tay nắm cần lái to màu đỏ anh đào để tháo rời sợi dây nối giữa tôi và chiếc máy bay kéo, rồi cho chiếc tàu lượn chao nghiêng xuống phía cánh đồng. Đó là lần đầu tiên tôi có được cảm giác thật sự một mình và tự do. Đa số bạn bè của tôi nếm trải cảm giác này khi lái xe ô-tô, nhưng với số tiền bỏ ra, tôi nghĩ cảm giác khi lái một chiếc tàu lượn ở độ cao trên 300 mét tuyệt hơn gấp trăm lần.
Vào những năm 1970, trong thời gian học đại học, tôi tham gia vào đội tuyển nhảy dù (skydiving) của trường Đại học Bắc Carolina. Tôi cảm thấy như thể mình là thành viên của một đội đặc nhiệm vậy - một nhóm người có kỹ năng đặc biệt và làm nên những kỳ tích. Cú nhảy đầu tiên của tôi thật sự hãi hùng; cú nhảy thứ hai thậm chí còn khiếp đảm hơn. Nhưng đến cú nhảy thứ mười hai, khi tôi bước ra khỏi cửa máy bay và phải rơi tự do hơn 300 mét trước khi bung dù (cú “bung dù chậm mười giây” đầu tiên của tôi), tôi đã có cảm giác bầu trời là nhà. Trong suốt thời đại học, tôi đã thực hiện 365 cú nhảy dù và tổng cộng hơn ba tiếng rưỡi rơi tự do, chủ yếu là trong đội hình gồm tối đa hai mươi lăm đồng đội. Cho dù tôi đã ngưng nhảy dù từ năm 1976, nhưng tôi vẫn không ngừng mơ những giấc mơ nhảy dù sống động, và những giấc mơ ấy luôn mang lại cho tôi cảm giác thật dễ chịu.
Thời gian nhảy dù tuyệt nhất thường là vào buổi chiều, khi mặt trời đang dần lặn xuống dưới đường chân trời. Thật khó để lột tả được cảm giác mà tôi nếm trải khi thực hiện những cú nhảy đó: cảm giác gần chạm đến một điều gì đó mà tôi chưa bao giờ gọi tên được, chỉ biết rằng mình phải có được trải nghiệm đó thêm nhiều lần nữa. Không hẳn là cảm giác một mình đơn độc, bởi cách thức mà chúng tôi nhảy dù thật ra không hoàn toàn đơn độc như nghĩa của từ này. Chúng tôi nhảy theo nhóm gồm năm, sáu, hoặc đôi khi mười hay mười hai người mỗi lần, tạo nên một đội hình rơi tự do. Đội hình càng lớn và mức độ thử thách càng cao thì trải nghiệm càng tuyệt vời.