Combo Thiền Là Gì? + Đường Vào Thiền (Bộ 2 Cuốn)
Ngày nay, thiền càng ngày càng trở nên phổ biến với vô số trường phái, hệ thống và phương pháp tiếp cận khác nhau. Nhưng thiền là gì? Và làm thế nào để thực hành thiền đúng đắn?
Với 72 câu/trích đoạn từ những bài nói chuyện của Krishnamurti qua nhiều năm, cuốn sách “Thiền là gì?” sẽ mở ra cho bạn cách tiếp cận theo kiểu Krishnamurti về chủ đề này một cách đơn giản đến ngạc nhiên, nhưng cũng cực kỳ sâu sắc.

Đối với Krishnamurti, thiền không thể dạy, cũng không thể học, thậm chí không thể cưỡng ép bản thân làm điều đó. Ông bác bỏ các phương pháp, việc luyện tập, đặt ra mục tiêu hay có ý muốn kiểm soát trong thiền. “… Rồi bạn ngồi xuống một cách tĩnh lặng và muốn thiền… Bạn ngồi tĩnh lặng nhưng tâm trí của bạn lại đi lang thang. Cái ý muốn kiểm soát kéo suy nghĩ này trở lại và cố gắng nói: ‘Đừng đi đâu nữa. Ở yên đó. Hãy định tâm vào’. Một tư tưởng khác xuất hiện và bạn suy nghĩ về điều gì khác, thế là trận chiến lại tiếp diễn. Bạn gọi đây là thiền, nhưng như thế hoàn toàn là tổn hao năng lượng”.
Ép buộc tâm trí phải tĩnh lặng để thiền là một sự tổn hao năng lượng. Điều đó cho thấy rõ ràng tư tưởng về thiền của Krishnamurti rất khác biệt so với các truyền thống, các tôn giáo. Vậy theo ông, thiền là gì?
Đối với Krishnamurti, thiền phải gắn liền và không tách biệt với đời sống. “Thiền trong đời sống hằng ngày là hành động mà không chọn lựa hay mong muốn.”
Thiền là sự nhận biết sâu sắc về bản chất của cái tôi và hành động tư duy, để tư tưởng có thể tìm về đúng vị trí của nó. Ông khẳng định: “Thiền là một thứ cực kỳ nghiêm túc, nó không giúp bạn thư giãn, làm việc tốt hơn hay kiếm nhiều tiền hơn. Mà thiền là sự xả bỏ hoàn toàn cái ngã”.
Và quan trọng hơn hết, thiền là sự tự do vượt thoát mọi điều đã biết. “Thiền không phải là tụng niệm những từ ngữ, ngồi trong góc tối, nhìn vào những sự phóng chiếu, hình ảnh và ý niệm của chính mình. Thiền là làm sáng tỏ cái đã biết và tự giải thoát mình khỏi cái đã biết.” Qua mỗi trang, mỗi câu, ta dần dần tự xây dựng cho mình cách hiểu riêng và khai ngộ về thiền.
“Thiền là gì?” là tựa sách mới nhất trong bộ sách của Krishnamurti. Ở ấn bản lần này, chúng tôi đã làm mới hình thức, từ bìa sách, hình ảnh minh họa cho đến khổ sách nhằm giúp bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ hoặc những ai bước đầu tìm hiểu về Krishnamurti, sẽ có cái nhìn mới mẻ và gần gũi hơn với nhà tư tưởng vĩ đại này.
* Về tác giả:
Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986) là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, các chủ đề bao gồm: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.
Được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp Brahmin tại Ấn Độ, nhưng Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Ông dành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập.
Krishnamurti cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại, ông quả quyết rằng những trường phái này chính là yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột, cũng như chiến tranh. Lời dạy của ông vượt trên mọi biên giới, ranh giới do con người tạo ra.
2. Osho - Đường Vào Thiền
Trong cuộc sống hiện đại đầy rẫy lo âu và căng thẳng, con người dường như ngày càng cảm thấy mất kết nối với chính mình. Chúng ta chạy theo những mục tiêu, nhưng đến khi đạt được lại thấy trống rỗng. Chúng ta có vô số phương tiện để giao tiếp, nhưng lại ngày càng cô đơn. Giữa vòng xoáy này, có lẽ, điều bạn cần không phải là một câu trả lời từ thế giới bên ngoài, mà là sự trở về với chính mình. Và thiền chính là con đường để trở về – một hành trình dẫn đến sự tĩnh lặng, nơi bạn có thể chạm vào bản thể sâu thẳm nhất của mình.
“Đường vào Thiền” (The path of meditation) tập hợp những bài giảng của Osho trong một khóa thiền do ông hướng dẫn, diễn ra trong ba ngày tại khu đồi Mahabaleshwar. Lật giở từng trang sách, chúng ta có cảm giác như đang có mặt tại thiền đường ở vùng núi non xinh đẹp ấy, và Osho ngồi trước mặt, đang hướng dẫn ta từng bước đi vào thiền.
Điểm đặc biệt ở đây là “Đường vào Thiền” không chỉ chứa đựng những giảng giải của Osho về nền tảng lý thuyết như trong các tác phẩm khác, mà còn đưa ra những chỉ dẫn thực hành cụ thể và cần thiết, như cách điều hòa hơi thở, cách khai mở các luân xa cho các bài thiền sáng và tối.
Trong chín chương, “Đường vào Thiền” dành ba chương hướng dẫn ba bước chuẩn bị ở phần ngoại biên để hình thành nền tảng cho thiền: thanh lọc cơ thể, thanh lọc tâm trí và thanh lọc cảm xúc.
Thanh lọc cơ thể là giải tỏa những đè nén, tắc nghẽn năng lượng bên trong cơ thể, để năng lượng ấy bộc lộ ra theo cách sáng tạo thay vì gây phá hủy. Muốn thanh lọc cơ thể, con người cần tìm cách chuyển hóa năng lượng tiêu cực trong cơ thể mình.
Tiếp theo, chúng ta phải thanh lọc tâm trí. Những ý nghĩ trong tâm trí là khởi nguồn của mọi hành động. Nếu ý nghĩ thuần khiết, bạn sẽ thấy có sự thay đổi to lớn ngay cả trong những hành động nhỏ nhất. Vì cuộc sống được tạo nên từ những hành vi nhỏ bé chứ không phải những điều lớn lao, nên nếu ý nghĩ của bạn luôn hướng đến chân, thiện, mỹ thì cuộc đời sẽ tự động trở nên tích cực. Đồng thời, muốn đạt được sự thuần khiết trong suy nghĩ, ta cần quan sát những ý nghĩ đang diễn ra bên trong mình và loại bỏ tất cả những gì vô dụng.
Cuối cùng và cơ bản nhất là thanh lọc cảm xúc. Muốn thanh lọc cảm xúc, ta cần trau dồi bốn khía cạnh: sự thân thiện, lòng trắc ẩn, niềm hân hoan và lòng biết ơn. Khi có được bốn khía cạnh này, những đức tính khác sẽ tự động xuất hiện và cảm xúc sẽ trở nên thuần khiết.
Sau khi đã có được nền tảng thanh lọc, chúng ta cần trải qua giai đoạn thứ hai là sự trống rỗng, tuân theo ba nguyên tắc chính dành cho phần trung tâm: tính không của cơ thể (vô thể), tính không của tâm trí (vô trí) và tính không của cảm xúc (thoát khỏi cảm xúc). Để đạt được tính không này, ta cần trở thành người quan sát – quan sát cơ thể, quan sát các ý nghĩ, quan sát lòng hận thù, tình yêu – lúc đó tất cả sẽ biến mất, chỉ còn lại trạng thái chứng kiến, tức là tâm thức. Khi sự thuần khiết và tính không gặp nhau, samadhi – sự chứng ngộ – sẽ xảy ra.
Nhưng Osho cũng nói rằng kể cả khi không thanh lọc bất cứ điều gì trong ba yếu tố nói trên thì bạn vẫn có thể đi vào thiền, chỉ cần bạn có một quyết tâm trọn vẹn. Như vậy, yếu tố quan trọng nhất trong thiền chính là quyết tâm. Osho nói chúng ta phải luôn khẳng định quyết tâm, khi ta chú tâm và nỗ lực đi vào thiền, ta sẽ trải nghiệm thiền. Việc thanh lọc ba yếu tố đó chỉ là để bạn đạt được quyết tâm cao độ hơn. Thanh lọc hữu ích nhưng không thiết yếu, nó chỉ thiết yếu cho những ai không thể trực tiếp đi vào thiền.
Osho đã chỉ ra: “Hạt giống đã có sẵn bên trong bạn và nó sẽ bắt đầu phát triển. Nhưng hạt giống đó sẽ chỉ nảy mầm nếu bạn có thể truyền lửa cho khát vọng của mình”.
Về tác giả:
Osho là một nhân vật “ngoại hạng”, bởi vì ông không thể được xếp vào một trường phái cụ thể nào. Hàng ngàn bài giảng của ông chia sẻ bao trùm mọi chủ đề – từ việc khám phá ý nghĩa tồn tại của bản thân cho đến những vấn đề khẩn thiết nhất của xã hội đương thời hay vấn đề liên quan đến chính trị. Osho nói: “Hãy nhớ, bất cứ điều gì tôi đang chia sẻ không chỉ dành cho bạn…. mà tôi cũng đang trò chuyện với cả những thế hệ tương lai nữa”.
Tờ Sunday Times của Luân Đôn mô tả Osho là một trong “1.000 Người kiến tạo của thế kỷ 20”. Còn tờ Sunday Mid-Day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong mười người –cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật – thay đổi vận mệnh của Ấn Độ.
Osho xác nhận rằng ông đang tạo điều kiện cho sự ra đời của một chủng loại người mới. Ông thường gọi “loại người mới” này là “Zorba Phật” – hình tượng kết hợp giữa Zorba “tay chơi Hy Lạp”, đại diện cho chủ nghĩa khoái lạc, và sự an nhiên tự tại của Đức Phật Cồ Đàm.
Osho còn được biết đến với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hóa nội tâm thông qua thiền định. Phương pháp thiền của Osho (Active Meditation) giúp giải tỏa căng thẳng cho cả thân và tâm, từ đó mọi người dễ dàng trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại trong cuộc sống thường nhật.