Hà Nội là mảnh đất mà các ngòi bút luôn tìm được điều gì đó để tạo nên các con chữ. Nơi này một góc phố cổ, một cơn gió lạnh đầu mùa, một mùi cốm, một gánh hàng rong,... cũng đủ để dòng chữ tuôn trào thành câu chuyện. Với mỗi góc nhìn, ta lại cảm nhận được một Hà Nội vừa thân thuộc vừa mới mẻ hấp dẫn ta. Cùng với Newshop khám phá Hà Nội dấu yêu qua những cuốn sách về Hà Nội mảnh đất nghìn năm văn hiến này nhé! 
 
 
"Thú Ăn Chơi Người Hà Nội" là bài phóng sự hay và chân thật nhất về ẩm thực, giải trí, con người -  những điều làm nên giá trị văn hoá cho thủ đô huy hoàng của chúng ta.
 
Lại nhớ những gánh phở xưa,đỗ ở cuối phố mà đầu phố đã ngửi thấy mùi nước dùng thơm lựng. Chỉ khi nhìn thấy những tia lửa vàng tóe ra không gian mới hay ông hàng phở đang thổi to bếp lửa bằng một cái ống phổi.
 
Thú Ăn Chơi Người Hà Nội
 
Những hàng phở gánh đó còn có một dụng cụ đặc biệt. Chỉ là một ống tre, một đầu có mấu kín, đầu kia nút kín bằng lá chuối khô. Thân ống có một lỗ nhỏ, nó như cái lỗ của tẩu thuốc hoặc điếu cày nhưng nhỏ hơn nhiều. Đó là ống hạt tiêu. Bưng bát phở cho khách, ông hàng phở tháo cái nút nhỏ như đầu đũa bằng tre, rắc rắc vòng tròn trên mặt bát, mùi thơm đã lựng lên quyến rũ khách hàng…
 
 
Thạch Lam bắt đầu hoạt động văn học từ năm 1936, là thành viên quan trọng của nhóm Tự lực văn đoàn. Ông tham gia biên tập các báo Phong hóa, Ngày nay. Thạch Lam sáng tác nhiều thể loại văn học khác nhau như truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký,tiểu luận, hầu như tất cả đều được đăng báo trước khi in thành sách.
 
Có những cuốn sách về Hà Nội không chỉ để đọc, mà còn để nâng niu và trân trọng, "Hà Nội 36 phố phường" là một trong những cuốn sách như thế. Thạch Lam như dắt tay người đọc rong ruổi qua từng con phố của Hà Nội xưa, nếm từng thứ quà vặt ngon lành mà nay chỉ còn những kỷ niệm trong tâm tưởng. Cuốn sách là tập hợp những bài tùy bút về chốn Bắc Việt của tác giả đã từng đăng báo.
 
Hà Nội 36 Phố Phường
 
"Hà Nội 36 phố phường" chủ yếu viết về chuyện phố,chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Về ẩm thực, Thạch Lam nhắc nhiều tới những thức quà vặt, quà ngọt ăn lót dạ nhưng vẫn vui mồm, thoải mái. Đó là cốm, là bánh đậu, bánh khảo, kẹo lạc, chén trà nóng nghi ngút khói trong đêm đông.
 
“Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác... Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng của Hà Nội chiếu lên nền mây. Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi”
 
 
Khác với những truyện viết cho thiếu nhi như Dế mèn phiêu lưu kí, quyển sách văn học hay“Chuyện cũ Hà Nội” là cả một bầu trời kí ức của Tô Hoài về Hà Nội những năm tháng xưa.
 
Chuyện Cũ Hà Nội
 
“Chuyện cũ Hà Nội” là một tác phẩm tiêu biểu của Tô Hoài về đề tài Hà Nội. Được viết vào những năm 90 của thế kỉ XX, bao gồm 114 truyện ngắn, mỗi truyện như kể lại, thuật lại những cảnh, những người, những việc hoàn toàn có thật của một Hà Nội vào nửa đầu thế kỉ XX trong thời kì thuộc Pháp. Một Hà Nội xưa cũ với người và cảnh, nếp sống và phong tục ... qua những trang văn Tô Hoài đã đem lại cho người đọc một lượng kiến thức rất phong phú về xã hội học, dân tộc học và phong tục học.
 
Chuyện hài hước có, bi kịch có, rồi vừa bi vừa hài cũng có. Hà Nội ngày ấy, lố lăng và lầm than đến xót xa. Xót xa ở Chết đói, xót xa ở Ông Hai Tây, xót xa trước sự thay đổi, đô thị hóa gấp gáp của thành phố đã nghìn năm gắn bó với truyền thống, đã nghìn năm gom góp tinh hoa của người Việt ta.
 
 
“Đi dọc Hà Nội” cùng với “Đi ngang Hà Nội” là hai nửa hoàn thiện nên chân dung một Hà Nội thăng trầm theo dòng lịch sử. Nhưng ở đây là một lịch sử khác với những cuốn sách sử khoa giáo, mà là một lịch sử phong tục, những lối ăn ở sinh hoạt, những thứ vật chất đã sinh ra và mất đi trong một đô thị.
 
Đi Dọc Hà Nội
 
Với "Đi dọc Hà Nội", Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục triển khai góc nhìn mới về một số vấn đề - sự kiện, giúp người đọc biết về “người Tràng An thanh lịch” qua thú chơi hoa, qua lịch sử cầu Thê Húc, qua thuốc phiện và rượu lậu của một thời… Và các vấn đề - sự kiện ấy luôn được tác giả xây dựng trên nền tảng con người, mà nổi trội là những người Hà Nội rất bình thường. Họ là người trồng hoa ở làng Ngọc Hà, là chị công nhân đã có mấy chục năm làm công việc coi sóc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ, và xa nữa về thời gian là những anh chị, cô bác bán hàng rong, người hát xẩm… 
 
Những trang sách trong Đi dọc Hà Nội có thể giúp chúng ta hiểu thêm về quá khứ, về dòng chảy văn hóa và dấu ấn của nhiều thế hệ ở Hà Thành, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng, hiện tại và tương lai không đến từ hư vô, mà đến từ quá khứ.
 
 
2 tập tùy bút "Thú ăn chơi người Hà Nội" và "Thú lang thang người Hà Nội" của nhà văn Băng Sơn một lần nữa mang đến những trải nghiệm thú vị về con người Hà Nội ở những phương diện bình dị của cuộc sống là ăn và chơi. Những cái thú ấy đã được nâng lên thành một nghệ thuật.
 
"Thú Lang Thang Người Hà Nội" là một cuốn sách văn học hay, đầy chân thật và gần gũi về cuộc sống của những người con Hà Nội, mang lại cho chúng ta những cảm xúc tĩnh nhưng lại vô cùng ấm áp.
 
Thú Lang Thang Người Hà Nội
 
“Có người lại thích lang thang đêm. Đêm Hà Nội mới huyền hoặc làm sao. Trước hết, rất an toàn. Đầu ngõ Tràng Tiền tịch lặng, bay lên mùi thơm ngô nướng. Đầu ngõ Phất Lộc có mùi lục tào xá và cà phê kỳ dị. Nhưng lang thang đâu phải để tìm ăn là chính.
 
Cứ mặc kệ hàng quán và những tiếng rao ma quái ấy sau lưng, từ ma quái của ngọt lừ, bùi béo của của phấn son ngần ngật… Đế giày cồm cộp, tự bước tự nghe. Bóng sương có ẩm vai thì kéo cái cổ áo lên cho đỡ cơn ho để mà tiếp tục đi, để mà không cần đến một nơi nào cả…” (trích đoạn)
 
Ngoài ra Newshop còn có những quyển sách về chủ đề sách phóng sự - ký sự rất hay khác, mời quý độc giả tham khảo tại đây.