Chỉ còn khoảng vài tiếng nữa, kỳ thi THPT Quốc gia 2022 sẽ chính thức bắt đầu. Môn thi đầu tiên đó là môn Ngữ Văn, và đây cũng là môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi lần này. Và để các bạn học sinh không bị mất điểm oan trong phần nghị luận văn học, Newshop xin gửi đến các bạn học sinh những luận điểm trong bài thi Ngữ Văn THPT Quốc gia không thể bỏ qua.

A. Luận điểm khái quát Tác giả, Tác phẩm 

1. Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, là "vị khai quốc công thần của triều đại văn học mới" - "người mở đường tinh anh và tài năng" (Nguyên Ngọc). Những sáng tác của ông đều xuất phát từ cảm hứng thế sự, đời tư mang đậm chất triết lý nhân sinh trong giai đoạn văn học mới, khác xa với cảm hứng sử thi lãng mạn quen thuộc trước năm 1975. Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" là một sáng tác thuộc giai đoạn thứ hai của nhà văn. Truyện đã gói gọn những suy tư, trăn trở của ông. Đó là gánh nặng mưu sinh giam hãm vợ chồng người dân hàng chài trong cảnh tối tăm, đói khổ, bấp bênh. Đằng sau câu chuyện là cái nhìn ấm áp, nhân hậu của nhà văn: sự trân trọng, tin yêu vẻ đẹp của tuổi thơ, tình mẫu tử, sự bao dung và can đảm của người phụ nữ. Đó không phải là vẻ đẹp chói sáng, hào hùng mà là những "hạt ngọc khuất lấp", lẫn trong lấm láp lam lũ đời thường. Theo ông, tình yêu của những người nghệ sĩ vừa là niềm hân hoan, say mê, vừa là nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh. Điều này đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho thiên truyện. 

2. Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

"Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy, đòi hỏi người sáng tạo phải có cách nổi bật, tức là có cái gì rất riêng mới lạ trong phong cách của mình" vậy, những nhà văn, nhà thơ, những người nghệ sĩ luôn sáng tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo và đúng chất riêng của mình. Về phong cách độc đáo, ta không thể không kể đến Nguyễn Tuân - người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, người nhận mình "sinh ra để tôn thờ Nghệ Thuật bằng hai chữ viết hoa". Phong cách sáng tác tài hoa, uyên bác cùng đam mê xê dịch đã đưa Nguyễn Tuân đến với nhiều miền của Tổ quốc, chắp bút cho bao áng văn đặc sắc, điêu luyện. Và Nguyễn Tuân cứ thế đến với sông Đà như một lẽ tất yếu. Là thành quả chuyến đi gian khổ và hào hứng của Nguyễn Tuân lên miền đất Tây Bắc xa xôi và rộng lớn những năm 1958 - 1960, tùy bút "sông Đà" nói chung mà tiêu biểu là đoạn trích "Người lái đò sông Đà" đã không chỉ thõa mãn niềm khao khát xê dịch của tác giả mà đã tìm thấy chất vàng trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, phát hiện thứ vàng mười đã qua thử lửa của tâm hồn con người nơi đây trong cuộc sống hàng ngày của họ. 

3. Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Tô Hoài - nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với vốn am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau, tác giả này thường lựa chọn được những hình ảnh, từ ngữ phù hợp để đưa vào trong trang văn của mình. Tô Hoài sáng tác nhiều ở các mảng đề tài khác nhau, có thể kể tới như truyện thiếu nhi, truyện về Tây Bắc và viết cả về Hà Nội. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi được tiếp xúc với nghệ sĩ này đã trầm trồ và thán phục rằng: "Tô Hoài là nhà Hà Nội học" bởi những kiến thức mà ông biết không có trong bất kỳ một cuốn sách, một thư viện nào. Sáng tác nhiều như vậy, nhưng Tô Hoài lại dành một sự quan tâm đặc biệt cho hình ảnh của người lao động đặc biệt là đồng bào Tây Bắc. Theo như Tô Hoài tâm sự, vì mảnh đất miền Tây đã để thương để nhớ cho ông nhiều quá nên quyết định quay trở lại đây, trả món ân tình bằng một tập truyện "Tây Bắc" xuất sắc. "Vợ chồng A Phủ" là một trong ba truyện ngắn in trong tập truyện này. Tác phẩm là thành quả đẹp của chuyến đi thực tế dài 8 tháng vào năm 1952 cùng bộ đội. Thời gian ở đây, được sống, được làm việc, được tiếp xúc đã giúp cho ngòi bút của nhà văn nay có biết bao nhiêu cảm hứng để xây lên những áng văn  và tình cho đời. Không quên sứ mệnh của một nhà văn, Tô Hoài nhìn thấy những con người vất vả, yêu câu chuyện mà họ kể lại viết thành những tác phẩm để đời. "Vợ chồng A Phủ" chính vì lý do đó mà đã thể hiện mạnh những phẩm chất của người lao động - sức sống tiềm tàng. Điều này thật giống với nhận định Tô Hoài đã từng tâm sự: "Điều kỳ diệu là dẫu trong cùng cực đến thế nào, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống của con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt." 

4. Việt Bắc - Tố Hữu 

Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc, đồng thời cũng là những chặng đường vận động trong quan điểm tư tưởng và bản lĩnh nghệ thuật của chính nhà thơ. Xuân Diệu từng nhận xét rằng: "...Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình rất đỗi trữ tình..." minh chứng cho điều này phải kể đến bài thơ "Việt Bắc" trong tập thơ cùng tên. Tác phẩm được hoàn thành khi Hiệp định Giơ ne vơ về Bán đảo Đông Dương được ký kết (tháng 7 năm 1945). Hoà bình trở lại, tháng 10, năm 1954, chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc, Tố Hữu đã chắp bút viết nên thi phẩm này. "Việt Bắc" như một khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. 

5. Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ trẻ những năm chống Mĩ, với phong cách thơ giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, mang màu sắc trữ tình - chính luận. Vũ Văn Sỹ từng nhận xét về hồn thơ này: "Nguyễn Khoa Điềm đã thực sự góp vào nền thơ hiện đại một giọng trữ tình giàu chất sử thi, một giọng thơ sôi nổi và cá tính, một cây bút gắn kết được một cách tài hoa giữa vốn sống, vốn tri thức văn hóa và sự mẫn cảm của một tấm lòng trước từng trang giấy". Tấm lòng nhà thơ có khi nào nguôi yên trước vận mệnh dân tộc, mỗi lần đặt bút viết là mỗi lần trái tim cuộn trào tình cảm thiết tha cùng sự suy tư, trăn trở, triết luận chặt chẽ và thuyết phục. Minh chứng cho điều đó phải kể đến đoạn trích "Đất Nước" thuộc phần đầu chương V của trường ca "Mặt đường khát vọng". Tác phẩm được sáng tác năm 1971 tại chiến trường Bình Trị Thiên. "Đất Nước" được xem là đoạn thơ hay và độc đáo về đề tài quê hương đất nước của thơ ca Việt Nam hiện đại. Độc đáo ở chỗ nhà thơ đã tiếp cận đất nước từ nhiều phương diện nhưng nhất quán trong tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân". Khẳng định, ngợi ca vai trò của nhân dân trong quá trình bảo vệ và dựng xây đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến những trang thơ thấm thía lòng người. 

6. Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường

Hoàng Phủ Ngọc Tường được người ta ngợi ca như một nhà Huế học cũng bởi ông viết nhiều, viết hay về xứ Huệ thơ mộng, về dòng Hương giang đằm thắm, trữ tình, thiết tha. Dưới ngòi bút của một nhà văn thấm đẫm chất tri thức, trí tuệ thâm sâu nhưng không kém chất lãng mạn, uyển chuyển, suy tư đa chiều thì tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" vô hình hiện lên thật rực rỡ và ấn tượng. Tác phẩm là bài kí ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông Hương qua nhiều góc độ khác nhau nhưng suy cho cùng đều tạo được dấu ấn đậm nét trong sự cảm nhận của người đọc. Hai đoạn trích được trích dẫn ra là hai phương diện âm nhạc và thi ca điều mà chỉ có sông Hương đạt được trong suốt quá trình hình thành và phát triển cho đến ngày hôm nay: Đọc từng câu từ, vẻ đẹp của sông Hương dần dần hiển hiện làm ta cũng cảm thấy tự hào và trân quý hơn con sông vốn là nét đặc trưng của vùng đất cố đô. 

7. Vợ nhặt - Kim Lân

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Kim Lân được đánh giá là nhà văn của làng quê Việt Nam với cách viết chân chất, mộc mạc và những hình ảnh nhân vật điển hình cho người nông dân. Văn của Kim Lân đi sâu vào lòng người đọc bởi tình cảm bình dị, rất đời thường nhưng chan chứa nghĩa tình. Chẳng thế mà nhà văn Nguyên Hồng từng "phán" về đồng nghiệp của mình rằng: "Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với "đất" với "người" với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống nông thôn". Đến với "Vợ nhặt" - tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, ta càng thấm thuần và hiểu rõ hơn điều này. Tác phẩm được in trong tập truyện "Con chó xấu xí", có tiền thân từ tiểu thuyết "Xóm ngụ cư", được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau hòa bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện "Vợ nhặt". Truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân đã tái hiện được vẻ đẹp tình người và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. 

8. Sóng - Xuân Quỳnh 

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mỹ. Những dòng thơ của tác giả thể hiện trái tim phụ nữ đôn hậu, chân thành, giàu đức hy sinh và lòng vị tha cùng khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt luôn gắn liền với những dự cảm, lo âu. Tiến sĩ Chu Văn Sơn từng nhận định: "Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thânn trong nắng nôi dông bão của cuộc đời..." Và quả thực, những vần thơ của Xuân Quỳnh là vậy. Với chị, mỗi dòng thơ hệt như những dòng nhật ký bỏ ngỏ xuất phát từ trái tin về những khát khao, những cảm xúc, những suy nghĩ lo âu của người phụ nữ khi đứng trước bao lo toan, hạnh phúc đời thường. Để rồi cứ thế, "Sóng" của Xuân Quỳnh lặng lẽ đi vào lòng người như một "nốt nhạc xanh giữa thời kỳ lửa cháy" với bao khát vọng về tình yêu và tuổi trẻ. Tác phẩm là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ của nữ sĩ, được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Bài thơ được in trong tập "Hoa dọc chiến hào". Qua hình tượng sóng và trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa "sóng" và "em", bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó, bạn đọc cảm nhận được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người. 

B. Luận điểm liên hệ mở rộng

1. Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

a. Xã hội trong “Chiếc thuyền ngoài xa”
Chiến tranh kết thúc, Nam Bắc hai miền thống nhất nhưng vẫn còn ở đó với những dấu vết và nỗi đau mà chiến tranh để lại cùng vô vàn nhọc nhằn của đời sống mới. Cuộc sống bấp bênh; khốn khó; tệ nạn xã hội: rượu chè, bạo hành gia đình; thậm chí còn là sự bất lực của công lí… Chồng chất, ngợp thở, thắt lòng! 
=> Nguyễn Minh Châu vượt qua mọi cấm kị để nói thật to cái sai, cái xấu và cả cái ác đang tồn tại trong xã hội mà trước đó ta hằng ao ước.
Có thể liên hệ:
- “Bến không chồng” - Dương Hướng: Chiến tranh là dữ dằn và khốc liệt, là mất mát và hi sinh. Những dấu ấn thương tích mà nó để lại cho con người là kéo dài, gánh nặng của nó không chỉ đè lên vai những người lính ở chiến trường mà còn là người phụ nữ ở hậu phương nơi làng Đông quay quắt, hắt hiu không trọn vẹn. 
- “Mảnh đất lắm người nhiều ma” - Nguyễn Khắc Trường: Khi con người trở về với đời sống hòa bình không còn tiếng súng, tiếng bom thì ở đó sự nhếch nhác và cái xấu của những lề thói được nuôi dưỡng hàng ngàn đời nay sau luỹ tre làng.
b. Người đàn bà hàng chài 
Các em có thể liên hệ khi phân tích từng khía cạnh của người đàn bà hàng chài:
- Con người bị xóa mờ nhân thân: không có tên, tuổi cụ thể: Liên hệ nhân vật ông lái đò trong “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân.
=> Con người lao động thầm lặng, vô danh đi vào văn học.
- Là một người mẹ hết mực yêu thương con: Liên hệ bà cụ Tứ - “Vợ nhặt”; người mẹ trong dòng chảy ca dao, dân ca: “Miệng ru mắt nhỏ hai hàng/ Nuôi con khôn lớn mẹ càng thêm lo”.
- Con người của những bi kịch đời thường và mất mát đau thương thời hậu chiến: Liên hệ nhân vật Quỳ - “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”.
c. Người đàn ông - chịu sự chi phối của hoàn cảnh đời sống.
Các em có thể liên hệ: 
- Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao: Nhà tù thực dân đã khiến một gã trai cày hiền lành ngày nào thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, hắn uống rượu, đòi nợ thuê thậm chí đương tay phá nát biết bao hạnh phúc.
- Nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”: Bi kịch tinh thần cũng như hoài bão cách tân nghệ thuật của Hộ là điển hình cho tầng lớp trí thức nghèo thời bấy giờ - tầng lớp luôn muốn bứt phá nhưng vẫn bị đè nén dưới tư tưởng phong kiến và không đủ bản lĩnh để vượt qua những sa ngã cuộc đời.

2. Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

a. Đề tài trong “Người lái đò sông Đà”
“Người lái đò sông Đà” nằm trong tập tùy bút “Sông Đà” cùng với 14 bài tuỳ bút và một bài thơ khác. Được đánh giá là tác phẩm gần đạt đến độ “toàn thiện toàn mỹ” (từ dùng của Vũ Ngọc Phan), tác phẩm là bản ghi chép sinh động những gì Nguyễn Tuân mắt thấy tai nghe trong chuyến đi lên vùng rẻo cao Tây Bắc. Ở đó ông tìm thấy chất vàng mười là vẻ đẹp vừa hung bạo, vừa trữ tình của con sông Đà và chất vàng mười đã qua thử lửa là những người lao động miệt mài, dũng cảm trên miền non cao. Đề tài mà Nguyễn Tuân hướng tới ở đây là vẻ đẹp của đất nước, cụ thể là vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Đây là một đề tài to lớn và rộng khắp, bao trùm cả tiến trình văn học Việt Nam.
Các em có thể liên hệ:
- Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi: :
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
(“Việt Nam quê hương ta” - Nguyễn Đình Thi)
- Ca dao:
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ…
Sông Tô một dải lượn vòng
Ấy nơi liệt nữ anh hùng giáng sinh
Sông Hồng uốn khúc chảy quanh
Giai nhân tài tử lừng danh trong ngoài.”
- “Với sông Đà” - Vũ Quần Phương viết: 
“Tôi đi với sông Đà
Bao lần rồi vẫn lạ
Tôi thuộc ngầm thuộc đá
Tôi thuộc lũ, thuộc dòng” 
b. Hình tượng con sông Đà hung bạo
Hình tượng con sông gắn với quyền năng của nước: sông Đà hung bạo, như con thuỷ quái của vùng rẻo cao Tây Bắc.
Các em có thể liên hệ:
- Trong nhiều tác phẩm văn học, dòng sông được nhắc đến gắn liền với nỗi sợ hãi về sự nhấn chìm, ngập lụt: “Nước sông ăn lên lem lém nuốt chửng cả cánh bãi xanh non mênh mông lúa lốc và vừng” (“Thời xa vắng” - Lê Lựu); “Cánh đồng làng Đông chìm trong biển gió đen ngòm. Nước sông cuồn cuộn sôi lên sùng sục” (“Bến Không Chồng”- Dương Hướng); “Nửa đêm, vỡ đê sông Hoàng Long. Nước réo ồ ồ. Chó tru. Gà quác. Trâu bò phá gióng. Dê phá chuồng kêu khản giọng. Dân kinh hoàng, nháo nhác chạy lụt như chạy loạn (“Mười ba bến nước” - Sương Nguyệt Minh).
- Sông cũng gắn với uy lực gây lên cả những sự chết chóc. Trong “Bến mom” của Văn Giá là cái chết của Dung: “Dung bị hất xuống sông (…). Đúng chỗ bến đò, nước ngòi đang chảy xiết ra sông. Con bé chìm nghỉm. Cái nón trắng trôi dập dềnh…”
c. Hình tượng con sông Đà trữ tình
Hình tượng con sông gắn với vẻ đẹp người con gái: Trong “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã miêu tả vẻ đẹp trữ tình của dòng sông Đà từ trên cao nhìn xuống rất thơ mộng: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai va cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân”. 
Các em có thể liên hệ:
- Sông Hương trong tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang vẻ đẹp thiên tính nữ => Biểu tượng dòng sông trong văn hoá Việt Nam.
- Vẻ đẹp mái tóc người con gái cũng từng xuất hiện trong văn chương của Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm “Tóc chị Hoài”, tác giả miêu tả vẻ đẹp mái tóc người con gái đẹp tuyệt vời: “Có cái tài nhất là Chị Hoài mỗi lúc vừa nằm xuống rất nhẹ nhàng thì cả một mớ tóc trần quấn rất chắc ấy đổ tung xuôi xuống như một trận mưa rào đen nhánh. Rồi mớ tóc mây dài như một sải rưỡi ôm lấy gáy, ấp lấy bả vai”. Để rồi ông thốt lên những lời duy mĩ: “Cái người nào trong suốt một đời người mà không được ngắm một mớ tóc cho tử tế, thì cái thẩm mỹ quan của người ấy còn lung lay lắm, chưa lấy gì làm định”..
d. Vị trí địa lý gây cách trở của sông Đà
Sông về mặt địa lý gây nên những cách trở trùng trùng: Con sông Đà “hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà”, khiến cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thêm phần khó khăn, khiến công việc những người lái đò khó khăn thêm bội phần.
Các em có thể liên hệ:
- “Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi” 
(Ca dao)
“Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh”
(“Lỡ bước sang ngang”, Nguyễn Bính).
. Hình tượng người lái đò
- Là người trí dũng, gan dạ, hồ hởi hết sức trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước: Liên hệ với những người lao động giữa biển khơi trong “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.
- Là những con người lao động thầm lặng và bình dị: Liên hệ với anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
- Hình ảnh người nghệ sĩ trong chính nghề của mình: Liên hệ với: Ông Líu, “nghệ nhân” giã giò trong “Giò lụa” (Nguyễn Tuân): “Nhưng cái khâu giã chày mới là lúc lao động ra trò. Giã như các chú gần đây thì còn gì là chả là giò nữa. Ðâu lại có cái kiểu nện chày chủng chẳng tiếng đực tiếng cái tiếng mẹ tiếng con như thế. Cái kiểu giã cho hết giờ ấy thật phí cả yến thịt tươi ấm (…) Giã mạnh quá cũng không cần, nhưng cốt là giã đều và bền sức. Nghe nó đều đều như dây cung bật bông nệm (…) như tiếng búa con đập dát lá quỳ vàng. Này nghe tiếng giã giò, có thể đoán được mẻ giò lụa là được hoặc là bỏ.”

3. Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

a. Sự trỗi dậy mãnh liệt của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc
- Liên hệ: 
+ Khát vọng hạnh phúc và lương thiện của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.
+ Truyện ngắn “Một con người ra đời” của Maksim Gorki.
Vào năm 1892, ở miền Nam nước Nga, một đoàn người đói khổ kéo nhau đến Otsemtsiry kiếm việc làm, họ đến vùng ven biển. Trong đoàn người này, có một phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, mang thai sắp đến ngày sinh nở. Chị chuyển dạ và lên cơn đau dữ dội. Nhờ sự giúp đỡ của một chàng trai, người phụ nữ đã vượt qua đau đớn, sinh được một bé trai đầu lòng khỏe mạnh kháu khỉnh.
=> Đứa bé đã đem đến cho người mẹ cùng đoàn người đói khổ kia một tia hi vọng để họ vượt qua những gian lao vất vả và vươn tới hạnh phúc. 
b. Mị - nạn nhân của xã hội thực dân phong kiến miền núi
- Liên hệ: Em có thể tùy ý lựa chọn các hình tượng nhân vật chịu sự tác động của hoàn cảnh xã hội.
+ Người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Nạn nhân của xã hội mới đầy nhọc nhằn, khốn khó.
+ Thị trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân. Nạn nhân của nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945.
c. Cách kết thúc truyện
- Kết truyện “Vợ chồng A Phủ” với hình ảnh Mị cứu A Phủ rồi “Hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi”.
=> Tô Hoài mở ra “con đường sống” cho nhân vật.
- Liên hệ:
+ Kết truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân với hình ảnh “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.
+ Kết truyện “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố với hình ảnh “Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!”
+ Kết truyện “Người trong bao” của Chekhov được khép lại với sự kiện: Bê - li- cốp qua đời. Mọi người ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng nhưng lâu sau họ lại cảm thấy nặng nề, mệt nhọc, vô vị. 
=> Kết thúc bế tắc, không tìm ra lối thoát cho nhân vật.

4. Vợ nhặt - Kim Lân

a. Xã hội trong “Vợ nhặt”
Xã hội Việt Nam chìm trong nạn đói kinh hoàng, khủng khiếp năm 1945 - thời điểm mà dân ta chịu cảnh gông cùm, xiềng xích của cả thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đời sống người dân điêu đứng đến mức “người chết thây nằm còng queo bên đường, người sống chỉ còn là những cái bóng dật dờ lặng lẽ như những bóng ma”. Hay nói như cách của Bàng Bá Lân thì: 
“Khắp đường xa những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.
Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma”
Các em có thể liên hệ:
- “Chuyện cũ của Hà Nội” - Tô Hoài: 
Về nạn đói, mỗi lần nhắc lại Tô Hoài vẫn bàng hoàng, kinh hãi đến nỗi chữ nghĩa run rẩy như thổi bay được. Để rồi một Hà Nội trong những năm tháng ấy được nhà văn khắc họa một cách chân thực đến rùng mình: “Càng phấp phỏng, càng hoảng hốt khi trông thấy lũ lượt người đói các nơi kéo vào… Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Suốt ngày đêm xe kéo xác chết lầm lũi qua”. Đau đớn hơn khi phải chứng kiến những đứa trẻ sống trong cảnh ấy chẳng khác nào một thứ hàng: “Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ”.
- “Ô Cầu Dền” trong tập tản văn “Bát phố” - Bảo Sinh: Nhắc về nạn đói: “Năm 1945, đây là mả chôn chung của nạn nhân chết đói. Hàng ngày, xe bò chở đầy xác chất trên phủ mảnh chiếu, chân tay thò ra ngoài, lọc cọc, rập rình, xe đu đưa những cánh tay, cẳng chân cũng đu đưa theo. Xác chết được đổ đầy vào một cái hố chôn chung, sau đó lấp đất phẳng, không có dấu hiệu mồ mả gì cả”.
- “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” - Văn Cao viết: 
“Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói công yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực..”
b. Nhân vật Thị
Các em có thể liên hệ:
- Con người bị xóa mờ nhân thân: không có tên, tuổi cụ thể: Liên hệ với nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
- Con người rơi vào bi kịch của phận người trong cơn đói: Liên hệ với:
+ Nhân vật bà lão trong tác phẩm “Một bữa no” của Nam Cao: Khốn cùng vì miếng ăn, nó đày đọa con người ta đến mức tha hóa, biến chất. Bà lão ấy chẳng còn biết nhục là gì bởi bà nghĩ “Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói?”
+ Sinh trong tác phẩm “Đói” của Thạch Lam: Cái đói khiến Sinh đánh mất lòng tự trọng, phải nhặt lại thức ăn kiếm từ những đồng tiền bẩn mà chính tay mình đã vứt đi.
c. Nhân vật bà cụ Tứ
Là một người mẹ hết mực yêu thương con. Liên hệ với: 
+ Người đàn bà hàng chài - “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu: Hi sinh tất cả và chịu mọi tổn thương về thể xác lẫn tinh thần chỉ đề mong con được hạnh phúc.
+ Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao: Bán cậu Vàng, ăn bả chó để không phạm đến nhà của con.
+ Hình ảnh người mẹ Việt Nam:
“Cả cuộc đời Mẹ một nắng hai sương
Lặng lẽ bước trên đường dù mưa gió
Bởi thương con…Mẹ lần mò vượt khó
Dù gian truân vàng võ chẳng nao lòng”.

5. Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm

Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng gần
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên, đánh đuổi giặc Ân.
Sức nhân dân khoẻ như ngựa sắt
Chí căm thù rèn thép làm roi
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi.
(Tố Hữu)
“… Điều may mắn với tôi là được sống trong những tháng năm hào hùng của dân tộc để hiểu nước, hiểu người và hiểu cả mình hơn…” 
(Nguyễn Khoa Điềm)
“… Một Đất Nước như thế không thể có được bằng bút pháp miêu tả bên ngoài, cho nên tất yếu nhà thơ phải dùng hình thức suy ngẫm, liên tưởng, liệt kê, để dần dần đưa người đọc vào trí tưởng tượng củabhọ, vào kí ức của họ, nhìn Đất Nước trong chính tâm hồn họ..."
(Trần Đình Sử)
Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.
(Lưu Quang Vũ)
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những lần trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi
(Giang Nam)
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
(Lê Anh Xuân)

6. Việt Bắc - Tố Hữu

- Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi. 
Tố Hữu - "Nhà văn nói về tác phẩm" 
- Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý.
Chế Lan Viên - "Lời nói đầu tuyển tập thơ Tố Hữu" 
- Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên.
Xuân Diệu - "Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu"
- Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự
Xuân Diệu - "Tố Hữu với chúng tôi"
- Con nhớ anh con , người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh để lại cho con.
(Chế Lan Viên)
- Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
(Thâm Tâm)
- “ Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày tháng đen tối ấy, chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thực sự. “
(Xuân Diệu)
- Xuân hãy xem! Cuộc diễn binh hùng vĩ
Ba mươi mốt triệu nhân dân
Tất cả hành quân
Tất cả thành chiến sĩ.
( Chào xuân 67 - Tố Hữu )
- Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo. Tình cảm của nhân vật thơ anh biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực.
Người bộ đội chiếm một địa vị quan trọng trong tập thơ Việt Bắc, chính là người nông dân nghèo khổ.
(Chặng đường mới của chúng ta, 1961, Hoàng Trung Thông)
- Nhà thi sĩ ấy tự muốn mình là tiếng nói của dân tộc mình. Vậy thì dân tộc ấy có năng khiếu thơ thông qua nhà thi sĩ. Các dân tộc hiện đại, đã công nghiệp hóa rồi, đã bị san phẳng bởi những phương tiện tuyên truyền, không còn có một năng khiếu về hình tượng như thế nữa; không còn suối nguồn ở bản thân mình nữa. Nhưng Tố Hữu đắm mình trong dân tộc của mình, đồng thời là một thi sĩ độc đáo, một nhà sáng tạo ra các hình thể. Người ta càng cảm thấy điều đó rõ hơn khi anh nói một cách rất hay về thơ.
(Lời tựa tập thơ Máu và hoa, xuất bản ở Pháp, năm 1975, Pierre Emmanuel)
- Thơ Tố Hữu bao giờ cũng mới, càng ngày càng mới, vì nó thể hiện thế giới quan cách mạng của chủ nghĩa Mác, hệ tư tưởng vô sản, đạo đức cộng sản chủ nghĩa là những tư tưởng càng ngày càng trở thành cách nhìn, nếp sống phổ biến của những con người mới của thời đại.
(Bình luận văn học, 1964, Như Phong)
- Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ.
(Tố Hữu với chúng tôi, 1975, Xuân Diệu)
- Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Phải chăng đây chính là bản sắc riêng của thơ Tố Hữu.
(Chuyện thơ, 1978, Hoài Thanh)
- Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca.
- Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên.
(Xuân Diệu - "Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu")
- Ngày lại ngày đi, vắt với sương’
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Đêm mưa rình giặc, tai thao thức
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương
(Giết giặc - Tố Hữu)
- Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!
(Đồng chí - Chính Hữu)
- Nền đất ẩm, chiếu manh, tráng giấy trắng
Anh hi sinh bao nhiêu vật cho đời
Nên anh chết như chuyến đi dài hạn
(Đào Cảng)
- Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự. (Xuân Diệu - "Tố Hữu với chúng tôi")

7. Sóng - Xuân Quỳnh

“Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em,
Anh không giấu em một điều gì.
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.”
(Bài thơ tình số 28 - Tago)
“Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó,
Em là nữ hoàng của vương quốc đó
Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu.”
(Bài thơ tình số 28 - Tago)
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...”
(Làm sao cắt nghĩa được tình yêu - Xuân Diệu)
“Trái tim nhỏ nằm trong lòng ngực
Giây phút nào chẳng đập vì anh.”
(Chỉ có sóng và em - Xuân Quỳnh)
“Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ.”
(Thuyền và biển - Xuân Quỳnh)
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai?
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa như ngồi đống than?”
(Ca dao)
“Suốt cuộc đời biển gọi những ước mơ
Nỗi khát vọng những chân trời chưa đến”
(Biển - Xuân Quỳnh)
“Có những tình yêu không thể nói bằng lời
Chỉ hiểu nhau qua từng ánh mắt
Nhưng đó là tình yêu bền vững nhất
Bởi thứ ồn ào là thứ dễ quên”
(Đinh Thu Hiền)
“Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài “Sóng” thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ”
(Nhà thơ Việt Nam hiện đại, GS Phong Lê chủ biên, Viện Văn học, Nxb KHXH,1984)
“Xuân Quỳnh sinh ra để viết thơ tình. Với người phụ nữ ấy thơ ca và tình yêu có lẽ là lý do để tồn tại. Bởi thế mà đọc bài thơ nào của Xuân Quỳnh ta cũng thấy năng lượng tích cực của tình yêu. Xuân Quỳnh yêu mãnh liệt “dữ dội – ồn ào” (Sóng), thậm chí là chủ động để yêu “Em yêu anh, yêu anh như điên” (Thơ viết cho mình và những người con gái khác), đôi khi còn thề thốt “biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát). Dẫu viết thế là phi lý nhưng cũng khiến người ta phải tin vì nó được viết bởi một trái tim yêu chân thành”.
(Thầy Chu Văn Sơn)
“Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thở”.
(GS TS Trần Đăng Suyền)
“Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật rất thành thật, thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả tình yêu. Chị không quanh co không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ ta biết khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi thơ Xuân Quỳnh”
(Võ Văn Trực)

8. Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường

- Nhạc sĩ Phạm Duy có những câu hát nổi tiếng về sông Hương:
“Tôi yêu những sông Trường Sơn
Biết ái tình ở dòng sông Hương…”
(Tình ca, 1953)
hay
“Người về chưa ghé sông Hương
Đã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay”.
(Trường ca Con đường Cái quan)
- Nhà thơ Thu Bồn:
“Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.
- “Huế 1” – Nguyễn Trọng Tạo:
“Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say”.
- “Tiếng hát sông Hương” – Tố Hữu:
“Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang
Trăng lên trăng đứng trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!
Trời ôi, em biết khi mô
Thân em hết nhục giày vò năm canh
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát còn lành được không?
- Răng không, cô gái trên sông
Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài
Trong như nước suối ban mai giữa rừng.
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong nắng trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay
Cô ơi tháng rộng ngày dài
Mỏ lòng ra đón ngày mai huy hoàng
Trên dòng Hương Giang...”
- Bài hát “Ai ra xứ Huế” – Nhạc sĩ Duy Khánh:
“Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn vương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về
Người tình quê ơi người tình quê thương nhớ xin trở về”.
Lời kết
Trên đây là những luận điểm trong bài thi Ngữ Văn THPT Quốc gia không thể bỏ qua nếu muốn đạt điểm cao. Hy vọng rằng, sẽ có ích với các bạn học sinh. Bạn có thể xem thêm những cuốn
sách ôn thi Ngữ Văn THPT Quốc gia tại đây. 

 Đề Thi Và Đáp Án Chi Tiết Đề Minh Họa Môn Ngữ Văn 2022
► 
Tips Đạt Điểm Cao Môn Ngữ Văn Kỳ Thi THPT Quốc Gia