Ngày 24.07 vừa qua, Bộ GD&ĐT vừa công bố điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, trong đó môn tiếng Anh tiếp tục là môn đội sổ với số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỉ lệ 51,56%. Qua con số này, có thể thấy rằng tình trạng học Tiếng Anh ở bậc THPT đang ngầm báo động. Vậy liệu giải pháp nào để Tiếng Anh không còn là nỗi "ám ảnh" của học sinh? 

Thực trạng học Tiếng Anh hiện nay 

Trong nhiều năm trở lại đây, môn tiếng Anh luôn có tỉ lệ học sinh dưới trung bình (dưới 5) ở mức cao. Cụ thể, năm 2019 là 68,74%; năm 2020 là 61,13%; năm 2021 là 40,27%. 
 
Phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
 
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tiếng Anh là môn "ám ảnh" với đại đa số học sinh cả nước  khi số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 446.648 (chiếm tỉ lệ 51,56%) và số lượng thí sinh bị điểm liệt gấp khoảng 4 lần so với năm ngoái.

Những con số nêu trên cho thấy, môn tiếng Anh chưa cải thiện được vị trí tương xứng với môn học có vai trò là chiếc chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới bên ngoài nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay cần được quan tâm.

Đồng thời, nó cũng phản ánh đúng thực trạng học tiếng Anh của học sinh hiện nay. Nhiều học sinh không chú trọng và chỉ coi đây là môn học chỉ dành cho những học sinh có năng khiếu và nhu cầu đi du học và phương pháp giảng dạy chưa được đổi mới nhiều…Thực tế, Bộ GDĐT đã có nhiều đầu tư cho việc dạy và học tiếng Anh hiện nay. Cụ thể là đề án ngoại ngữ 2017-2025 nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Bộ cũng áp dụng thực hiện khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và đa dạng hóa các chương trình, học liệu… và mới đây trong Thông tư 22, môn tiếng Anh được xếp ngang hàng với môn Toán, Ngữ văn, trong đánh giá xếp loại học sinh, nhiều tỉnh thành xếp Ngoại ngữ cùng hệ số với Toán, Ngữ văn trong tuyển sinh lớp 10 vừa qua…

Thực trạng nêu trên khiến dư luận đặt ra câu hỏi, có phải do phương pháp dạy của thầy và động cơ học tiếng Anh của học sinh chưa được đồng bộ; năng lực học sinh ở các vùng miền khác nhau, học sinh ở miền núi, vùng xa (chiếm phần đông) điều kiện học tiếng Anh không bằng học sinh ở vùng thành thị, đồng bằng, vậy nên chất lượng dạy – học cũng khác nhau?

Ở các đô thị, thành phố điều kiện học tiếng Anh rất thuận lợi có nhiều trung tâm ngoại ngữ, phụ huynh rất quan tâm so với nông thôn. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm nay là một minh chứng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng ở từng người bởi hiện nay, khi xã hội phát triển, việc tự học Tiếng Anh tại nhà ngày càng phổ biến hơn. 

Giải pháp nào để tiếng Anh không còn là nỗi "ám ảnh" của học sinh?

Để tiếng Anh không còn là môn nỗi "ám ảnh" của học sinh trong kì thi tốt nghiệp THPT, thủ khoa ngành Sư phạm tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Huế năm 2020, Nguyễn Phú Lâm - người có chứng chỉ IELTS 8.5 cho rằng, cần đẩy mạnh bồi dưỡng giáo viên để nâng cao năng lực giảng dạy, thầy cô ngoài bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, phải có chứng chỉ IELTS từ 7,5 trở lên bởi thầy có giỏi trò mới giỏi. Giáo viên tiếng Anh phải chuẩn về phát âm, đúng giọng để học sinh không bị đọc sai là điều rất quan trọng.


Về phương pháp, học sinh cần tăng cường tương tác trong giao tiếp là đặc thù trong phương pháp giảng dạy tiếng Anh, càng tốt nếu được giao tiếp với người bản ngữ, tạo môi trường để các em sử dụng tiếng Anh như: giao lưu với người nước ngoài, tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, tham gia thi hùng biện, kể chuyện tiếng Anh, thực hành làm hướng dẫn viên du lịch nước ngoài, thậm chí cần tổ chức những lớp, khóa học, tiết học trực tuyến xuyên biên giới kết nối dạy học tiếng Anh với các nước.

Về chương trình, thiết kế chương trình sách giáo khoa theo hướng tăng vận dụng thực hành nghe nói, đọc viết. Việc giảng dạy chương trình tiếng Anh ở trường phổ thông hiện nay chưa chú trọng phần nghe nói còn nặng về phần ngữ pháp. Cần xem học tiếng Anh như là một ngôn ngữ sau tiếng Việt để có đầu tư tương xứng hơn.

Chương trình, chúng ta nên dùng chương trình giảng dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế Cambridge và Oxford cùng với tăng thời lượng giảng dạy ít nhất là 6 tiết/tuần có như vậy mới tăng được chất lượng dạy - học.

"Nếu đồng bộ thực hiện về chương trình, phương pháp giảng dạy, đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực giảng dạy của thầy cô như nói trên, hy vọng chất lượng môn tiếng Anh sẽ được cải thiện, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh không còn vị trí khiêm tốn như những năm qua" - Phú Lâm chia sẻ. Từ đó, Tiếng Anh sẽ không còn là nỗi ám ảnh đối với học sinh nữa.