Nhà văn Haruki Murakami đã bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình từ sớm nhưng vẫn phải đến năm 30 tuổi, thì vị tác giả này mới thực sự nổi tiếng. Ông sở hữu phong cách viết vô cùng đặc trưng với nội dung mà tác giả hướng đến qua những tác phẩm của mình đa phần về tình yêu, về những mối quan hệ giữa người với người hay chính là những cuộc tìm kiếm
Nếu bạn là một người thích những yếu tố huyền ảo, kỳ bí hòa quyện giữa thực và mơ nhưng vẫn là những góc nhìn rất thực tế thì bạn không nên bỏ qua những cuốn sách của một tiểu thuyết gia Nhật Bản - Haruki Murakami. Và hãy cùng Newshop điểm qua ngay những cuốn sách ấy là gì nhé !
1. RỪNG NA UY
Được xuất bản lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1987 cuốn sách “Rừng Na Uy” được xem như là một hiện tượng với 4 triệu bản được bán ra chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Và tới tận bây giờ, con số này đã được nhân lên rất nhiều lần.

Tác phẩm này kể về nỗi cô đơn, tình yêu và sự ám ảnh của những con người muốn vượt qua định kiến, rào cản đang kìm hãm cuộc đời họ. Cuốn sách là một cái nhìn về quá khứ, xoay quanh mối quan hệ bi thảm của một người con trai với một cô gái trẻ, xinh đẹp nhưng tâm thần lại không ổn định. Cô luôn nghe thấy tiếng gọi của người yêu quá cố của mình. Người con trai ấy đã luôn cố gắng ngăn chặn việc người yêu của mình cứ đi theo tiếng gọi do cô ấy tự tưởng tượng mà không hề có thật.
Đây chính là những bản ngã riêng lẻ của mỗi cá nhân trong cuộc sống, là những thực thể đôi khi trái ngược nhau nhưng không đối lập nhau mà lại là một phần của nhau. Đây là những ý nghĩa mà tác giả muốn gửi đến những bạn đọc của mình.
2. KAFKA BÊN BỜ BIỂN
Murakami Haruki là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới. Đồng thời ông cũng được những người yêu sách đặt cho mình những mỹ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn của giới trẻ”.

Tác phẩm mang tên “Kafka Bên Bờ Biển” là một quyển sách hay với câu chuyện về Kafka - là một cậu bé rời khỏi nhà để làm điều mình muốn . Một khi đã đọc thì bạn sẽ muốn ngấu nghiến và đọc đi đọc lại rất nhiều lần cuốn sách này do lối viết văn có phần mụ mị nhưng lại mang 1 vẻ cuốn hút của câu chữ. Đây là cuốn tiểu thuyết phức tạp và khó hiểu nhất của Murakami với kết cấu của truyện có phần khác lạ. Nội dung câu chuyện xoay quanh ba con người ba thế hệ với ba số phận khác nhau. Nhưng họ đều cùng trải qua cú sốc kinh khủng, để rồi một trong ba người họ trở thành người mạnh mẽ nhất.
Cách kể chuyện đan xen về cuộc đời của cậu bé Kafka Tamura 15 tuổi – đang cố chạy trốn khỏi lời nguyền của cuộc sống và ông già Satoru Nakata – bị mất trí nhưng lại mang thiên mệnh đặc biệt, Kafka bên bờ biển đưa ta vào một thế giới huyền bí đang xen giữa thực tại. Nội dung hấp dẫn mà tác giả mang lại lại ẩn sau câu chuyện là đó chính là những trải nghiệm, những bài học quý giá và thâm thúy qua bức tranh hiện thực về xã hội lúc bấy giờ. Mỗi tác phẩm của Haruki Murakami luôn ẩn chứa những triết lý, những suy niệm, quan niệm về cuộc sống mà mỗi người đọc phải tự cảm nhận và đúc kết
3. BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT (TÁI BẢN 2020)
“Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót” được xem là cuốn tiểu thuyết chính thức làm nên tên tuổi của nhà văn Haruki Murakami ở phương Tây và nhiều nước khác trên thế giới. Đến độ trên bìa các cuốn sách khác của Murakami, người ta thường đọc thấy dòng quảng cáo “Được viết bởi tác giả của Biên niên ký chim vặn dây cót”. Tiếng hót của con chim vặn dây cót chỉ vang lên vào những thời khắc quyết định, khi con người tỉnh thức những tiếng lòng thầm kín, hay khoảnh khắc thấu suốt cảm giác về Định mệnh; tiếng chim tiên báo những thảm họa khốc liệt khơi nguồn từ chính con người, cũng là tiếng thúc giục âm thầm của khát vọng đi tìm chân lý.

Tiếng hót của chim vặn dây cót trở thành biểu tượng sự thức tỉnh những xúc cảm mãnh liệt và sự trưởng thành về bản ngã của con người trong đời sống hiện đại. Đó chính là ý nghĩa của hình tượng chim dây cót xuyên suốt cuốn sách của Haruki Murakami này.
Bạo lực và tình dục, những yếu tố thịnh hành của thể loại tiểu thuyết đen phổ biến trên thế giới, lại được xuất hiện trong tác phẩm của Murakami chỉ như một trong những phương diện nhằm miêu tả và khám phá đời sống được ẩn giấu của con người. Vẻ đẹp tràn đầy của chính tác phẩm này là sự tinh tế và mãnh liệt của tinh thần. Cũng như những bản ngã của con người, đủ để đưa Murakami đứng vào hàng các tác giả vĩ đại trên thế giới.
4. LẮNG NGHE GIÓ HÁT
Đây cũng là tác phẩm đánh dấu sự chuyển mình của tác giả nổi tiếng người Nhật. Haruki Murakami bắt đầu viết lách từ khá sớm nhưng phải đến “Lắng Nghe Gió Hát”, ông mới thực sự để lại dấu ấn lớn trong lòng người đọc. Đối với nhà văn này, thì cuốn sách “Lắng Nghe Gió Hát” có vai trò không thể thay thế, như những người bạn từ thời xưa cũ.'

Cuốn tiểu thuyết đầu tay này là khởi đầu cho những tác phẩm tiếp theo của Murakami khi xoay quanh chủ đề tình yêu và mất mát. Cũng như các tác phẩm sau này, Lắng nghe gió hát tràn ngập các chi tiết quen thuộc trong tiểu thuyết Murakami: nấu nướng, ăn, nghe nhạc phương Tây… Tuy nhiên, “Lắng Nghe Gió Hát” lại là tác phẩm duy nhất của Murakami không mô tả trực tiếp những quan hệ tình dục vốn tồn tại nhiều trong các tác phẩm của ông.
5. COMBO 1Q84 (TRỌN BỘ 3 TẬP)
1Q84 Tập 1
Aomame đang sống ở năm 1984. Bản Sinfonietta của Leoš Janáček phát ra từ đài FM trong chiếc taxi trên đường cao tốc thủ đô khiến nàng bắt đầu nhận thấy có gì đó bất thường trong thế giới thực tại. Nàng phát hiện ra sự tồn tại của một thế giới không phải thế giới này bên cạnh thế giới này. Với rất nhiều câu hỏi chưa lời giải cho những bất thường đang diễn ra xung quanh , nàng đặt tên cho năm mình đang sống là 1Q84, “Q” là chữ cái đầu của từ “Question”.
Tengo cũng sống ở năm 1984. Anh dạy toán tại một trường dự bị. Ôm mộng văn chương, có thừa tài năng nhưng mặc cảm quá khứ về người mẹ như một tảng đá khổng lồ đang chặn đứng dòng năng lượng trong anh khiến anh vẫn mãi chỉ là một kẻ bồi bút vô danh. Tuy nhiên một kế hoạch đầy mạo hiểm của Komatsu, biên tập viên lão luyện của tạp chí văn nghệ, đã đẩy anh vào một rắc rối ghê gớm. Chính rắc rối ấy sẽ đưa Tengo gặp lại người bạn gái thời tiểu học vẫn luôn ám ảnh anh.
Với đầy đủ hiện thực lẫn huyền ảo, Murakami đưa ta lạc vào một thế giới chuyện kể quá đỗi hấp dẫn trong 1Q84. Cuốn tiểu thuyết gồm các chương xen kẽ về Aomame và Tengo. Khi đọc xong về Aomame, bạn chắc chắn sẽ muốn tiếp tục với Tengo và ngược lại. Một tác phẩm xứng đáng với ba năm chờ đợi của những độc giả yêu mến Murakami.
1Q84 Tập 2
Vậy là Aomame sắp sửa làm một việc hệ trọng. Nàng đã từng nhiều lần làm những việc tương tự, tuy nhiên lần này khác hẳn - một việc mà, nếu hoàn thành được, nàng sẽ không bao giờ còn có thể tiếp tục cuộc sống bình thường như trước…Đồng thời, dù cho chuyện gì xảy đến với nàng đi nữa, nàng không bao giờ ngừng nghĩ đến người con trai nàng đã từng nắm tay một lần duy nhất hồi tiểu học, và rồi, một cách hết sức bất ngờ, nàng biết được bằng cách nào nàng có thể tự coi như mình đang ở cùng anh…
Những chuyện bất ngờ không ngừng xảy đến với Tengo. Dần dần anh cũng biết được vai trò của mình trong guồng quay của các sự kiện, và nhận ra rốt cuộc thì thực tại quanh anh không giống như anh nghĩ. Đồng thời, bên cạnh đó, anh cũng dần hiểu ra trên thực tế, suốt những năm qua, hình ảnh ai đã luôn luôn trong tâm khảm anh, là cái neo tinh thần cho anh. Giữa vòng xoáy những bất an ngày một vây chặt lấy Tengo, anh khắc khoải đi tìm người đó…
1Q84 Tập 3
Cuối cùng thì Aomame và Tengo có gặp được nhau không? Tim người đọc vừa căng ra vừa thắt lại vì câu hỏi đó. Rốt cuộc, tình yêu của hai người dành cho nhau có đủ sức thắng nổi những lực ác đang bủa vây hai người và từng giây từng phút đe dọa hủy diệt họ?
1Q84 không chỉ là một câu chuyện vừa hấp dẫn vừa khơi gợi suy tư về bản chất của thế giới và mối quan hệ thiện, ác. Nó còn là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu. Nó khẳng định rằng, theo nghĩa nào đó, chiến thắng hay thất bại của tình yêu là chiến thắng hay thất bại của điều thiện.
6. PHÍA NAM BIÊN GIỚI PHÍA TÂY MẶT TRỜI
“Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời” là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều nhất con người thật của Haruki Murakami, và là câu chuyện đơn giản nhất mà Murakami từng kể. Tuy vậy, đơn giản không có nghĩa là dễ hiểu, và một lối kể chuyện giản dị không loại bỏ những nỗ lực kín đáo trong việc thoát ra khỏi những lối đi văn chương đã cũ mòn. “Sự kết nối” dễ thấy giữa Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời và những tác phẩm khác của Murakami có lẽ là năng lực đặc biệt của nhà văn Nhật Bản đối với cách tạo ra và xử lý cái bí ẩn.

Vẫn là Haruki, vẫn độc, vẫn hay và gây nghiện không tưởng. Bằng giọng trần thuật ngôi thứ nhất gần gũi, đây là câu chuyện về “tôi” như bao cái “tôi” khác chúng ta đầy biến động và cuốn hút. Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết cảm động sâu sắc gì cả, đây là cuốn tiểu thuyết chậm, thực tế và sắc sảo. Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, mỗi người sẽ có mỗi cách cảm nhận khác nhau. Nhưng hơn hết, đây là một cuốn sách đáng để đọc
Không có mật độ dày đặc như trong Biên niên ký chim vặn dây cót hay Kafka bên bờ biển, cái bí ẩn ở đây giống như những đoạn nhạc jazz biến tấu ngẫu hứng trên nền của những bản nhạc cũ, và chính là cái để lại dư vị lâu nhất cho người đọc.
7. NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ (TÁI BẢN 2019)
Cuốn sách gồm bảy câu chuyện khác nhau này hầu như chỉ có một giọng văn: bình tĩnh. Người đi tìm câu trả lời cho “Tại sao khi còn sống, vợ tôi lại ngủ với nhiều người đàn ông sau lưng tôi đến vậy?” bình tĩnh. Người lẻn vào nhà cậu trai mình thích, đặt vào hộc bàn miếng băng vệ sinh cũng bình tĩnh. Người tận mắt chứng kiến vợ mình trên giường cùng người bạn thân cũng bình tĩnh. Đúng như lời giới thiệu: “Bình tĩnh đến kỳ lạ.” Nổi bình tĩnh đó là bàn cờ mà Murakami Haruki dựng nên, đặt lên đó từng câu chữ, tuyệt nhiên không có bất kỳ sự dư thừa nào.

Cùng một giọng văn nhưng mỗi tác phẩm lại là một ly cocktail với công thức riêng, duy chỉ có một điều luôn tồn tại chính là sự trọn vẹn, không một chút thừa thãi. Trong “Drive my car”, điểm mù mà Kafuku chưa từng nhận ra là trước đây, quan niệm của gã về phụ nữ lái xe,… tất cả đều là những mảnh ghép mang tính tượng trưng, ghép lại thành một bức tranh trọn vẹn cho câu chuyện. Trong “Kino”, những hình ảnh mang đậm chất tâm linh cuối cùng lại là lời nhắc nhở đến gõ cửa phòng Kino — hay gõ lên chính tâm hồn gã. Thật thú vị khi cách viết phóng khoáng theo trường phái siêu thực của Murakami Haruki cuối cùng lại tạo nên những sự trọn vẹn mang tính hình ảnh.
“Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà” không phải là những câu chuyện được viết lẻ tẻ rồi nhét đại thành một tập sách. Thay vào đó, các truyện ngắn được thiết lập theo một mô-típ, một chủ đề riêng, sắp xếp các truyện theo khái niệm. Mô-típ của tập truyện Tất cả con của Chúa đều nhảy là trận động đất Kobe năm 1995, còn của Những câu chuyện kỳ lạ ở Tokyo là những câu chuyện bí ẩn xung quanh những người sống ở đô thị. Mô-típ của tập truyện này là những người đàn ông không có đàn bà.
Mong rằng với những chia sẻ của Newshop về những cuốn sách hay của nhà văn Haruki Murakami thì bạn đọc cũng sẽ thích thú và chọn được cho mình một tác phẩm phù hợp. Hãy đọc từng trang sách và cảm nhận những tình tiết mà tác giả đã khơi gợi cũng như Newshop hy vọng bạn sẽ thấy được những hình ảnh đầy sống động mà Haruki Murakami đã ẩn hiện qua mỗi nhân vật.
Có thể bạn quan tâm: