Marie Curie là nhà khoa học nữ đầu tiên được nhận hai giải Nobel. Bà đã dành trọn cuộc đời để nghiên cứu khoa học, và cống hiến trọn vẹn những thành tựu to lớn cho nhân loại. Từ nhỏ, Marie Curie là một cô bé thông minh, ham học và rất yêu thích khoa học tự nhiên. Nhưng vì gia đình quá nghèo nên bà phải lao động để kiếm sống. Sau bao nhiêu vất vả gian nan cuối cùng bà đã thực hiện được mơ ước: Bước chân vào giảng đường đại học. Nhờ tài năng, trí thông minh và sự cần cù, Marie Curie đã lần lượt nhận được bằng cử nhân về Vật lí và Toán học.
Bà đã cùng chồng là Pierre Curie nghiên cứu và phát hiện ra nguyên tố mang tính phóng xạ radium và được trao giải Nobel Vật lí. Sau khi ông Pierre qua đời, bà vẫn tiếp tục nghiên cứu, và một lần nữa bà lại được nhận giải thưởng Nobel Hóa học.
Suốt cuộc đời, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1934, bà đã không ngừng nghiên cứu, đóng góp công sức cho khoa học và cho hạnh phúc nhân loại. Cuộc đời của Marie Curie là một tấm gương sáng ngời về nhân cách của một nhà khoa học luôn dành tình yêu cho đất nước, cho khoa học chân chính.
Marie Curie (1867-1934)
1867: Sinh tại thủ đô Warszawa (Ba Lan)
1878: Mẹ mất vì bệnh phổi
1883: Tốt nghiệp thủ khoa Trường Warszawa
1891: Đi Paris du học tại Trường Đại học Sorbonne
1893: Đỗ thủ khoa trong cuộc thi học vị Vật lí
1894: Đỗ thứ nhì trong cuộc thi học vị Toán học
1895: Kết hôn với Pierre Curie
1897: Sinh bé gái đầu lòng Irene. Bắt đầu nghiên cứu khoáng vật
1898: Phát hiện ra một nguyên tố có trong khoáng vật và đặt tên là “polomium”. Chứng minh sự tồn tại của nguyên tố có tính phóng xạ mới có tên là “radium”
1902: Thành công trong việc chế tạo ra 1 gram radium thuần chất
1903: Với “Nghiên cứu về chất có tính phóng xạ”, được nhận học vị tiến sĩ. Nhận giải Nobel Vật lí cùng chồng là Pierre Curie và tiến sĩ Becquerel
1904: Sinh con gái thứ hai Eva. Chồng qua đời vì tai nạn giao thông
1908: Trở thành nữ giáo sư đầu tiên của Trường Đại học Sorbonne
1910: Thành công trong việc chế tạo radium. Xuất bản cuốn “Khái luận tính phóng xạ”
1911: Nhận giải thưởng Nobel Hóa học
1914: Trở thành Viện trưởng “Viện Nghiên cứu radium” của Trường Đại học Paris. Trong Đại chiến Thế giới thứ I, tham gia hoạt động cứu thương bệnh binh và dùng tia phóng xạ chữa bệnh
1934: Mất ngày 4 tháng 7 vì nhiễm phóng xạ radium. Thọ 67 tuổi.