1. Lịch Sử Thế Giới 1 - Thời Tiền Sử Và Ai Cập Cổ Đại
Câu chuyện bắt đầu khi một nhóm bạn học sinh phải làm bài tập môn Lịch Sử, họ nhờ sự trợ giúp của người thầy giáo “biết tuốt”. Qua sự trợ giúp của người thầy, từng giai đoạn của lịch sử mở ra trước mắt các bạn trẻ.
Trái Đất được hình thành như thế nào? Sự sống được hình thành ra sao? Trước khi có loài người, Trái Đất có gì? Các sinh vật tiến hóa ra sao? Loài khủng long đã xuất hiện và biến mất như thế nào?
Sau khi những câu hỏi đó được giải đáp là sự xuất hiện của loài người và những nền văn minh đầu tiên: Lưỡng Hà - nơi xuất hiện những vương quốc cổ nhất thế giới, cũng là nơi phát minh ra chữ viết, đặt những nền tảng đầu tiên cho khoa học kỹ thuật; Ai Cập - với các Pharaoh, các Kim tự tháp chứa đựng đầy những bí ẩn lịch sử.
Kết thúc tập 1 là sự ra đời của thời đại đồ sắt, sự xuất hiện của người Do Thái và Đế quốc Ba Tư.
2. Lịch Sử Thế Giới 2 - Hy Lạp, La Mã, Khu Vực Địa Trung Hải
Ở tập 2 này chúng ta sẽ tới vùng biển Địa Trung Hải, cái nôi của hai nền văn minh vĩ đại của nhân loại: Hy Lạp, La Mã, là nơi khởi nguồn của những tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo.
Bạn đọc sẽ được trở về với những khúc trường ca về thần thoại Hy Lạp và các vị thần trên đỉnh Olympia, về cuộc chiến thành Troy kéo dài suốt một thập kỷ ròng rã...
Trong tập này, bạn đọc cũng sẽ được gặp nhiều nhân vật lịch sử mà danh tiếng của họ còn được lưu truyền mãi tới ngày hôm nay. Đó là những triết gia nổi tiếng như Socrates, Aristotle, là Alexander Đại Đế với cuộc viễn chinh về phương Đông: từ Ba Tư cho tới tận Ấn Độ.
Chúng ta cũng sẽ gặp gỡ Julius Caesar - nhà lãnh đạo quân sự thiên tài và những câu chuyện xung quanh nền Cộng hòa và Đế quốc La Mã. Bên cạnh đó ta sẽ gặp cả nữ hoàng Cleopatra VII mà sắc đẹp của nàng đã trở thành huyền thoại.
Câu chuyện về Đức Giêsu từ hãng gia súc miền Nazareth tới thập giá đồi Golgotha và sự phát triển của đạo Cơ Đốc sẽ khép lại nội dung tập 2 này.
3. Lịch Sử Thế Giới 3 – Những Nền Văn Minh Châu Á Cổ Đại Và Sự Hình Thành Khu Vực Đông Á
Mở đầu tập 3, chúng ta sẽ đến với Ấn Độ cổ đại - nơi khởi nguồn của nền văn minh sông Ấn. Thông qua những câu chuyện về vùng đất này, chúng ta sẽ hiểu thêm về vương triều Maurya, quốc vương Ashoka cùng sự ra đời và phát triển của Phật giáo.
Tiếp tục di chuyển về Phương Đông, bạn đọc sẽ tới Trung Hoa cổ đại, nơi khởi nguồn của nền văn minh Trung Hoa. Chúng ta sẽ đi qua các vương triều nhà Thương, nhà Chu, thời Xuân Thu - Chiến Quốc cho đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc.
Vùng đất Trung Hoa rộng lớn cũng sẽ dẫn bạn đọc qua những câu chuyện từ lâu đã trở thành các điển tích: từ thời Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán, qua thời kỳ Tam Quốc với những Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, Quan Vũ, Trương Phi... đã đi vào những tác phẩm văn học kinh điển.
Khép lại tập 3 là sự hình thành và phát triển của các vương triều nhà Tùy, nhà Đường, những vương triều đánh dấu những bước phát triển lớn của văn minh Trung Hoa.
4. Lịch Sử Thế Giới 4 - Sự Hình Thành Châu Âu Và Thế Giới Hồi Giáo
Tập 4 của bộ truyện tranh LỊCH SỬ THẾ GIỚI nói về những sự kiện lịch sử nổi bật từ thế kỷ IV tới thế ky XVI. Trong đó, nổi bật là sự phát triển của Hồi giáo, sự hình thành trật tự châu Âu sau khi đế quốc La Mã tan rã, đế quốc Byzantine và cuối cùng là sự phát triển của Giáo hội Công giáo La Mã.
Hồi giáo dù ra đời sau muộn nhưng đã vươn lên trở thành một trong những tôn giáo có sự phát triển và ảnh hưởng nhất thế giới cho tới ngày nay. Kể từ sau khi nhà tiên tri Muhammad lập nên Hồi giáo, các vương triều Hồi giáo như Umayyad, Abbas dần được thành lập và mở rộng sự ảnh hưởng của mình bằng các cuộc chiến bành trướng. Những thành phố lớn như Bagdad trở thành địa điểm giao thương nhộn nhịp tấp nập và là nơi khởi nguồn cho những câu chuyện Nghìn lẻ một đêm say mê lòng người.
Sau sự tan rã của đế quốc La Mã, châu Âu dần bị phân chia thành các quốc gia và lãnh địa nhỏ hơn. Ở Tây La Mã, những cuộc di cư của các sắc dân German (từ sau giữa thế kỷ IV đến cuối thế kỷ IX) đánh dấu sự chuyển tiếp từ Hậu kỳ cổ đại đến Tiền kỳ Trung cổ. Quá trình di cư được thúc đẩy bởi những thay đổi sâu sắc cả ở bên trong Đế chế La Mã lẫn khu vực "biên giới của người man rợ". Di dân bao gồm người Hung, Goth, Vandal, Avar, Slav, Bulgar, Alan, Suebi, Frisia, và Frank.
Bên cạnh đó, quyền lực của Giáo hội Công giáo La Mã ngày càng lớn mạnh. Giáo hoàng La Mã có thể ra lệnh cho bất kỳ vua chúa nào, kể cả hoàng đế. Quyền khai trừ (vạ tuyệt thông) trở thành một công cụ để Tòa Thánh kiểm soát về chính trị đối với các quốc gia xung quanh. Ngôi vị Giáo hoàng từ một vai trò thiêng liêng trở thành mục tiêu của những sự tranh chấp giữa các quốc gia châu Âu thời đó.
Ở phía Đông, đế quốc Byzantine (Đông La Mã) trải qua thời kỳ hưng thịnh. Constantinople (nay là Istanbul) trở thành một trung tâm giao thương lớn của thế giới, và đế quốc Byzantine có sự phát triển vượt bậc không chỉ về kinh tế mà còn về nghệ thuật. Kiến trúc Byzantine có thể thấy ở nhiều công trình đồ sộ mà đặc biệt nhất có thể thấy là thánh đường Hagia Sofia (nay là bảo tàng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ). Đế quốc Byzantine chỉ suy tàn vào năm 1453 với sự lớn mạnh của đế quốc Hồi giáo Ottoman.
5. Lịch Sử Thế Giới 5 - Thập Tự Chinh Và Đế Quốc Mông Cổ
Tập 5 của bộ truyện LỊCH SỬ THẾ GIỚI nói về những sự kiện lịch sử trên thế giới từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Ở phương Tây, các cuộc Thập tự chinh được tổ chức, tạo ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội châu Âu. Trong khi đó, ở phương Đông người du mục Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn nổi lên trở thành một thế lực vô cùng to lớn.
Với sự bành trướng nhanh chóng, Hồi giáo trở thành một mối đe dọa cho sự tồn vong của châu Âu. Trước sự xâm lăng mạnh mẽ của người Hồi giáo, Giáo hoàng La Mã đã phát động những cuộc thập tự chinh nhằm đẩy lùi người Hồi giáo khỏi châu Âu đồng thời chiếm lại những vùng đất vốn thuộc về người Cơ Đốc giáo, đặc biệt là vùng đất thánh (Israel - Palestine ngày nay). Các cuộc thập tự chinh tuy cuối cùng không đạt được thành quả như mong muốn nhưng đã tạo ra những con đường giao thương ảnh hưởng lớn tới Tây Âu sau này, và khiến cho người Hồi giáo không thể thực hiện dã tâm chinh phục châu Âu.
Sau những cuộc thập tự chinh, giai cấp nông nô bị xóa bỏ, xã hội phong kiến châu Âu ngày càng suy yếu, quyền lực của Giáo hoàng La Mã cũng không còn lớn như trước. Anh và Pháp trở thành các quốc gia mạnh ở châu Âu. Hai quốc gia này liên tục có những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ cũng như tầm ảnh hưởng với các quốc gia khác. Trong cuộc chiến tranh Trăm Năm, Jeanne d'Arc - một thiếu nữ 17 tuổi trở thành người lãnh đạo quân đội Pháp giành được nhiều chiến thắng trước quân đội Anh, góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng cho nước Pháp sau này.
Trong khi đó, ở phương Đông, các bộ tộc du mục Mông Cổ được thống nhất dưới tay Thiết Mộc Chân - một thủ lĩnh trẻ. Ông được tôn phong là Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) và trở thành nỗi kinh hoàng ở bất cứ đâu mà vó ngựa Mông Cổ đi qua. Vào lúc mạnh nhất, đế quốc Mông Cổ từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn từ đông Âu cho tới hết lãnh thổ Trung Hoa ngày nay. Cháu của Thành Cát Tư Hãn - đại hãn Hốt Tất Liệt thành lập nhà Nguyên với việc dời đô về Khanbaliq (Bắc Kinh).
Dưới triều Nguyên, với lãnh thổ rộng lớn, việc giao thương giữa phương Đông và phương Tây trở nên thông suốt hơn. Hốt Tất Liệt có đặt một số chức quan là người tây phương, trong đó có Marco Polo. Ông là một trong những người đầu tiên đi bằng đường bộ từ châu Âu sang tới phương Đông, và được đại hãn Hốt Tất Liệt rất nể trọng. Những ghi chép của ông trong 17 năm ở châu Á được ghi lại trong cuốn "Mô tả về thế giới", trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho những người yêu thích khám phá sau này.
6. Lịch Sử Thế Giới 6 - Thời Kỳ Phục Hưng Và Kỷ Nguyên Khai Sáng
Cuối thế kỷ XIII, đế quốc Ottoman được thành lập và nhanh chóng bành trướng thế lực ra khắp vùng Tây Á và Đông Âu. Năm 1453, đế quốc Ottoman đặt dấu chấm hết cho đế quốc Byzantine (Đông La Mã). Châu Âu đứng trước nguy cơ bị thôn tính bởi người Hồi giáo. Quân đội Ottoman từng tiến tới bao vây Vienna - thủ đô của Đế quốc La Mã thần thánh và chỉ chịu rút lui khi không thể chịu được mùa đông băng giá của châu Âu.
Châu Âu thế kỷ XIV đánh dấu sự phát triển của đời sống người dân. Các cuộc thập tự chinh khiến cho giao thương trong vùng Địa Trung Hải ngày càng náo nhiệt. Con người bắt đầu suy nghĩ khác về quyền lực thế gian cũng như Giáo hội và Chúa trời. Phong trào Phục hưng kêu gọi sự tự do cho con người bắt đầu nổi lên ở các thành phố nước Ý. Thời kỳ Phục hưng đánh dấu một sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ khoa học - kỹ thuật cho tới Văn học - Nghệ thuật. Thời kỳ này đã sản sinh ra những thiên tài như Leonardo da Vinci, Michelangelo Buonarotti hay Raffaello Sanzio với những tác phẩm kinh điển trở thành khuôn vàng thước ngọc cho nghệ thuật.
Sự mục nát trong lòng Giáo hội Công giáo La Mã cũng đã châm ngòi cho các cuộc cải cách. Martin Luther - tu sĩ dòng Augustine đã khởi xướng một cuộc cải cách bằng việc đưa ra bản 95 luận đề cải cách và nhận được sự ủng hộ từ người dân và một số lãnh chúa muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Giáo hội. Điều này đã dẫn tới một phong trào ly khai được gọi là Kháng Cách (Protestants), hậu quả là nhiều cuộc bạo động đã diễn ra khắp nơi tại châu Âu đặc biệt là trong lãnh thổ Đức. Các giáo phái ly khai được thành lập, bất tuân quyền bính Giáo hoàng và có hệ thống giáo lý, giáo luật riêng.
Trong khi đó, trong lòng Giáo hội Công giáo La Mã cũng có những cuộc cải cách mạnh mẽ để chống lại phong trào Kháng Cách. Các dòng tu như dòng Tên (dòng Chúa Giê-su) được thành lập với mục đích cải cách mạnh mẽ Giáo hội từ bên trong nhưng vẫn trung thành với Giáo hoàng La Mã. Các dòng tu này đã đặt dấu ấn mạnh mẽ lên việc truyền giáo và mang văn minh sang phương Đông và Tân Thế giới.
Để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, các quốc gia như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tìm các con đường khác để giao thương với châu Á. Christopher Columbus, phụng mệnh nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha đã ra khơi tìm đường tới châu Á và vô tình đã tìm ra châu Mỹ mà ông không hề hay biết.
Các bài viết liên quan:
Newshop xin hân hạnh giới thiệu đến quý bạn đọc!