Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết không nhiều nhưng tác phẩm của ông đã được ghi dấu trong lòng người đọc với thể loại trải nghiệm. Đa phần các tác phẩm nói về Tây Nguyên, những vùng đi qua chiến tranh khốc liệt, thời bao cấp và chuyện phố nhem nhuốc với những nỗi lo cơm áo, gạo tiền.

Sau đây,
Newshop xin giới thiệu đến bạn đọc 7 tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhà văn Trung Trung Đỉnh 
 

Nhà văn Trung Trung Đỉnh

Trung Trung Đỉnh tên thật là Phạm Trung Đỉnh, ông sinh vào ngày 21.09.1949, tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, hiện tại đang sinh sống ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, đồng thời ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1984).
 

nhà văn Trung Trung Đỉnh


Ông được sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường, sau khi học xong phổ thông, ông quyết định đi bộ đội. Trung Trung Đỉnh có nhiều năm hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên thời chống Mỹ cứu nước nên sự hiểu biết cũng như tình cảm của ông dành cho mảnh đất này rất nhiều. Ngoài viết văn, ông còn làm thơ, viết kịch bản phim.

Tây Nguyên cũng chính là đề tài quen thuộc, trở đi trở lại trong các tác phẩm mang đầy hơi thở núi rừng của Trung Trung Đỉnh - từ ký, truyện ngắn cho tới tiểu thuyết. Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng, tiêu biểu là: Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).

Những tác phẩm đặc sắc của nhà văn

1. Những Khoảnh Khắc Đời Người

 Những Khoảnh Khắc Đời Người là tập bút ký và tản văn đi sâu vào miền kí ức thiêng liêng để ghi lại những khoảnh khắc của cuộc đời: từ những năm tháng tuổi thơ, đi lính ở Tây Nguyên, đến khi hòa bình, trở lại Hà Nội.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh là một người nặng lòng với mảnh đất Tây Nguyên, vì thế những tác phẩm của ông luôn gắn liền với nơi ấy cùng với những câu chuyện chiến tranh ác liệt. “Những Khoảnh Khắc Đời Người” cũng liên quan đến mảnh đất ấy. Trong sự nghiệp sáng tác văn chương nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, trường ca, các loại ký và cả cuộc sống của ông đều có sự xen lẫn của nét văn hóa đó.

 

Những Khoảnh Khắc Đời Người

Truyện kể về chàng trai làng Sưa năm 17 tuổi, xung phong nhập ngũ, đi bộ thẳng tiến đến Tây Nguyên. Gần 10 năm sống hòa đồng với đồng bào nhiều dân tộc, tham gia chiến đấu, thấu hiểu đến ngọn ngành nền văn hóa bản địa, yêu, rồi nhiễm luôn nhiều nét tính cách của người Tây Nguyên.

2.  Ngược Chiều Cái Chết

Tác phẩm này của nhà văn Trung Trung Đỉnh là câu chuyện kể về những ngày khốc liệt của chiến tranh cho đến những ngày đầu kết thúc chiến tranh ở Trường Sơn, Tây Nguyên cùng đồng đội và những người dân Bahnar, Jarai đầy tình nghĩa.

“Ngược Chiều Cái Chết” nói về hai nhân vật cùng tên Thương: nhà báo Thương và kĩ sư lâm nghiệp Rơ Lan Thương. Vì có cùng tên với nhau, Thương được cha của Rơ Lan Thương nhận làm con nuôi. Câu chuyện bắt đầu bằng cái chết đột ngột của Rơ Lan Thương khi bị nhóm người Fulro bắn lén. Trước cái chết của anh, mỗi người đều có một tâm trạng khác nhau. 

 

Ngược chiều cái chết

Thông qua những hồi ức của nhà báo Thương, độc giả nhận ra được tâm trạng cùng với suy nghĩ của Rơ Lan Thương- một người kĩ sư mong muốn có thể cải cách lâm nghiệp nhưng lúc bấy giờ ý kiến của anh quá nhỏ nhoi trước những người lãnh đạo làm việc bằng sự cảm tính và thiên vị.

"Ngược chiều cái chết" không phải chỉ là sự sống mà còn là sự đối diện thẳng thắn với cái chết, là trực tiếp đối diện, nhìn về nó rồi vượt qua nó bằng cách đi ngược lại, không phải là sự vượt qua bằng cách quay lưng và chạy trốn đơn thuần. Như thế cũng đã là một cách để sống.

3. Lời Chào Quá Khứ

 Lời Chào Quá Khứ là tuyển tập những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn. Đây là một trong những tác phẩm khẳng định tên tuổi của tác giả Trung Trung Đỉnh với hàng loạt tác phẩm xuất sắc về Tây Nguyên. 
 

Lời chào quá khứ

Tây Nguyên là nỗi ám ảnh thường trực, là sự mê hoặc, nhấn chìm, bao trùm lên toàn bộ lên cuộc đời và từng trang viết. Kết thúc chiến tranh, trở về với chủ đề “đồng bằng”, những sự kiện của cuộc sống đời thường đi vào văn Trung Trung Đỉnh bằng một giọng hóm hỉnh nhưng cũng không thiếu những sự đời sâu sắc, những “nỗi buồn níu giữ tình yêu” chân tình và ngậm ngùi. 

4. Tiễn Biệt Những Ngày Buồn

"Tiễn biệt những ngày buồn" là câu chuyện thường ngày của những người lính vừa khoác ba lô từ các mặt trận trở về thủ đô để tiếp tục với một cuộc sống vô cùng phức tạp mà họ không thể nào hình dung hết diện mạo của nó.
 

tiễn biệt những ngày buồn

Câu chuyện được nhà văn Trung Trung Đỉnh viết vào những năm 80( của thế kỷ 20). Những diễn biến trong câu chuyện chính là cuộc sống của ông lúc bấy giờ. Đó là tâm trạng, hoàn cảnh của người dân trong giai đoạn chuyển biến từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với bao nhiêu sự bỡ ngỡ.

5. Lạc Rừng

Là một tác phẩm vô cùng hay và hấp dẫn của tiểu thuyết gia Trung Trung Đỉnh, kể về cậu bé 8 tuổi tên Bình đi từ Bắc vào Tây Nguyên để hoạt động cách mạng. “Lạc Rừng” cũng chính là tác phẩm đạt được giải nhất cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên của hội nhà văn Việt Nam.
 

lạc rừng

"Lạc rừng" với cách viết hiện đại, thẳng thắn cho ta cái nhìn rất khác về người lính. Có thể khi mới vừa đọc, bạn đọc sẽ cảm thấy hơi không quen với bản thân mình vì đôi nét văn hóa, nhưng chỉ ít trang thôi, bạn sẽ bị cuốn hút vào cuốn sách, sẽ thấy sự thú vị bởi cách sống của người Ba Na.

6. Lính Trận

Tiểu thuyết  Lính trận lấy bối cảnh Tây Nguyên, đặc biệt là chiến trường trọng điểm Pleime – Ia Đ’răng ác liệt. Nhân vật chính là một anh lính hậu cần rất trẻ, đã ghi lại những gì mình và tiểu đội hơn chục người của mình trải qua, từ khi bắt đầu trở thành một người lính đến được huấn luyện ở hậu phương rồi hành quân hàng tháng trời để vào đến Tây Nguyên, cho đến khi đối diện với không khí tức thở của chiến trường, khi những đồng đội lần lượt ngã xuống.
 

lính trận

Trung Trung Đỉnh đã kể về những câu chuyện nhỏ của người lính bình thường nhất trong chiến tranh, lại có độ lùi sau gần 40 năm với một giọng văn giản dị, đơn giản không tô hồng, không lãng mạn hóa, cũng không cường điệu tái hiện lại chân thực những ký ức đẹp đẽ và bi tráng về một thời tuổi trẻ nơi chiến trường.

7. Sống Khó Hơn Chết

Là một cuốn sách khắc họa lên nỗi đau của những người trở về từ chiến tranh và đối diện với cuộc sống đầy áp lực. Câu chuyện kể về một nhà văn quèn gàn dở bước ra khỏi cuộc chiến đầy máu lửa để trở về cuộc sống cơm áo bình thường. Nhưng hóa ra những cái bình thường ấy lại muôn hình vạn trạng, không dễ đoán định, và mang trong nó sự khốc liệt riêng.
 

sống khó hơn là chết

Với giọng văn lúc hài hước, nghiêm trang, khi châm biếm, tác giả Trung Trung Đỉnh lột tả rõ nét những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời qua những số phận cụ thể, đồng thời những trang viết ở các giai đoạn này khiến người đọc ấn tượng vì những chuyện bi hài và ấm áp tình người.
 


Hy vọng bài chia sẻ trên sẽ đem đến cho bạn những thông tin bổ ích về nhà văn Trung Trung Đỉnh và những tác phẩm đặc sắc của ông.


>>> Tuyển Tập 7 Tập Thơ Hay Nhất Của Nguyễn Đức Sơn

>>> 18 tác phẩm đặc sắc từ “Nhà Nam Bộ học” - Sơn Nam