Người dân ở xứ sở hoa anh đào thường rất tự hào đất nước mình là một “thi quốc”. Trong các thể thơ truyền thống của Nhật Bản thì thơ Tanka và thơ Haiku là tiêu biểu nhất. Cả hai thể thơ này đều có điểm chung là thể thơ ngắn, cô đọng và gắn liền với mỹ học Nhật Bản: yêu những thứ nhỏ bé, kiệm lời, những khoảng trống vô ngôn,... Trong đó thì thơ haiku chính là kết tinh của tư duy nghệ thuật và vẻ đẹp văn hóa của đất nước Phù Tang. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn phần nào về thể thơ Haiku nổi tiếng này.
THƠ HAIKU LÀ GÌ?
Haiku âm theo lối chữ Kanji (gốc là chữ Nho) là bài cú, có nghĩa là câu nói để trình bày. Chữ “Hai” nghĩa là “bài”, tiếng Hán Việt có nghĩa là “phường tuồng”, còn chữ “ku” là “cú” hay “câu”. Tóm lại, Haiku là thể loại thơ độc đáo và rất thịnh hành ở Nhật Bản và cũng là loại thơ ngắn nhất trên thế giới.
HÌNH THỨC THƠ HAIKU
Hình thức thơ haiku thì đối với một bài thơ hoàn chỉnh gồm có ba dòng, dòng đầu và dòng cuối mỗi dòng có 5 âm, ôm lấy dòng giữa có 7 âm, có dạng 5-7-5, tổng cộng có 17 âm. Tiếng Nhật đa âm nên mỗi dòng có thể có 1, 2 chữ hoặc nhiều hơn. Haiku cũng có thể biến thể là 5-7-6 hay 5-8-5, lên 18 âm trọn bài.
Không cần theo vần điệu nhưng thơ Haiku là sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh lẫn chữ tượng hình có chọn lọc. Thoạt nhìn chỉ là một bài thơ ngắn gọn nhưng người viết sẽ dẫn dắt chúng ta qua một khu vườn chữ nghĩa nhỏ hẹp để thênh thang bước vào cõi tư duy vô cùng bát ngát, đó là một chân trời sáng tạo rộng mở mà người đọc cần có những sự tưởng tượng phong phú dồi dào.
Thơ Haiku ngày nay thoáng hơn nhiều so với trước, không bị gò bó số chữ trong mỗi câu, không nhất thiết phải chấm, phẩy hoặc chấm phẩy tùy tiện, chỉ giữ lại hình thức ba câu và được đưa vào những từ ngữ chải chuốt, những ẩn dụ của cái vô hạn và hữu hạn,...
NỘI DUNG THƠ HAIKU
Về nội dung thì thơ haiku có luật cơ bản như sau: thơ thường không mô tả cảm xúc, chủ yếu là ghi lại những sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm nên thơ Haiku thường chỉ diễn tả một sự việc diễn ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự việc này có thể liên kết hai ý nghĩa hoặc hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng lúc.
Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ theo hai nguyên lý tối thiểu đó là Mùa và Tính Tương Quan Hai Hình Ảnh. Trong thơ bắt buộc phải có từ “Kigo” (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa (không dùng từ xuân, hạ, thu, đông nhưng có thể dùng các từ như hoa anh đào, lá vàng, tuyết trắng,...để chỉ các mùa và diễn tả một hình ảnh lớn tương xứng với hình ảnh nhỏ.
Đọc thơ Haiku, ta sẽ cảm nhận được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả. Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã thấy và quan sát được. Bên cạnh đó thì người đọc có thể chiêm nghiệm được tâm tình của tác giả, một thứ tình cảm nhẹ nhàng trong suốt cả bài thơ, đôi lúc cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.
Thơ có xu hướng gợi ý hay ám chỉ bóng gió nhẹ nhàng, thông thường trong thơ sẽ đưa ra hai hình ảnh đó là hình ảnh trừu tượng sống động, linh hoạt và hình ảnh cụ thể ghi cột mốc thời gian và nơi chốn.
Các tác giả thường không giải thích về sự liên kết giữa hai hình ảnh này, chỉ diễn tả sự việc theo bản chất tự nhiên của nó. Một bài thơ Haiku được gọi là hay khi có thể làm sống lại những gì đã chôn sâu trong ký ức và đưa ra những cảm giác sâu sắc để tự nó khơi gợi lại trí tưởng tượng của người đọc để người đọc tự ngẫm nghĩ và cảm nhận.
>>> Bạn có thể tham khảo qua những cuốn sách về văn học sau đây:
NGHỆ THUẬT THƠ HAIKU MANG DẤU ẤN CỦA THIỀN TÔNG
Tại sao nói nghệ thuật thơ haiku mang dấu ấn của thiền tông? Bởi vì haiku là một nghệ thuật tổng hợp tinh tế tuyệt vời giữa Phật Giáo và Lão Giáo trong thế giới Thiền thi, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa ẩn dụ và phân tích, giữa thiên nhiên vũ trụ và nội tâm trong con người. Trong thơ Haiku có sự kết hợp và dung hòa giữa Thiền và Thơ, vì thơ biểu lộ tình cảm và thơ có thể tải đạo. Thơ Haiku đi từ những sự vật sự việc cụ thể nhỏ nhỏ nhoi tầm thường để dẫn dắt người đọc đi vào cõi mênh mông bát ngát không hình tượng, giống như một thiền sư đã từng nói:
“Gom góp tất cả lời nói để hoàn thành một câu, vò cả đại thiên thế giới thành một hạt bụi" .
Một đặc điểm nổi bật của thơ haiku là có kết cấu hư không. Tranh thủy mặc của Trung Quốc, tranh mặc hội (sumye) của Nhật Bản thường rất đơn giản với một vài đường nét giàu sức gợi, còn lại là khoảng trống không gian, gọi là khoảng trống bởi vì trong khoảng không gian đó ta không thể nhận thấy được bất cứ hình thể hay sắc tướng nào. Đối với thơ Haiku thì khái niệm hư không được các nhà làm thơ sử dụng để tạo nên một nghệ thuật đặc trưng, chủ yếu của thể thơ này: kết cấu hư không. Không những thế, ngay giữa những hình ảnh, từ ngữ trong bài cũng thường có những khoảng trống buộc người đọc phải tưởng tượng tìm ra sợi dây để kết nối chúng lại với nhau.
Chẳng hạn: Ka/re e/da /ni
(5) Trên cành khô
Ka/ra/su / no / to/ma/ri / ke/ri
(9) Cánh quạ đậu
A/ki /no /ku/re
(5) Chiều thu
Basho- (Nhật Chiêu dịch)
Giữa khoảng trống hư ảo của một bài thơ Haiku, nhà thơ bao giờ cũng phác họa một hoặc vài hình ảnh, âm thanh. Hình ảnh hay âm thanh trong thơ Haiku thường rất giản dị, mộc mạc đến mức người thường dễ bị lãng quên. Chúng được các thi sĩ chấm phá bằng một vài đường nét đủ sức để gợi nên thần thái.
Thơ Haiku có lý tưởng thẩm mỹ riêng cực kỳ tinh tế. Nó đã đề cao được cái thanh tịch tĩnh lặng (sabi), đơn sơ (wabi), u huyền (yugen), mềm mại (shiori), khinh thanh (karumi). Bởi thế thơ Haiku để lại trong lòng của người đọc những dư âm nhẹ nhàng và sâu lắng. Newshop hy vọng với những thông tin trên bài viết, bạn sẽ hiểu được phần nào về thể thơ Haiku cũng như hiểu thêm về xứ sở mặt trời mọc và cách áp dụng thơ Haiku vào đời sống.
>>> Có thể bạn quan tâm