“Chánh niệm” (Mindfulness) là một từ đã trở nên phổ biến khi chúng ta nhắc đến sức khỏe tinh thần hay kỹ năng phát triển bản thân. Việc thực hành chánh niệm được nhiều người quan tâm bởi những lợi ích mà nó đem lại như nâng tinh thần, cải thiện năng suất làm việc, v.v…Trong bài viết này, Newshop xin giới thiệu đến các bạn 9 cuốn sách về chánh niệm hay nhất giúp bình an trong tâm hồn. Các bạn hãy tham khảo và lựa chọn cho mình cuốn sách phù hợp để ứng dụng nhé.

1/ Chẳng Cần Ngồi Yên Vẫn Có Thể Thiền 

Mọi người thường nói: “Tôi rất muốn thực hành chánh niệm nhưng lại quá bận rộn. Vậy nên, tôi chẳng có thời gian để thực hành.” Hầu hết mọi người đều nghĩ chánh niệm giống những việc như đi làm, nuôi dạy con cái và chăm sóc nhà cửa mà họ phải hoàn thành mỗi ngày. Thực ra, việc biến chánh niệm thành một phần trong đời sống lại giống trò nối những dấu chấm hay vẽ tranh bằng số. Bạn có nhớ những bức tranh mà mỗi vùng trên đó được đánh số chỉ ra màu sắc bạn phải tô lên không? Khi bạn tô các vùng ấy bằng màu xám, rồi màu xanh lá và màu xanh da trời, thì một bức tranh đẹp sẽ dần hiện ra.
Thực hành chánh niệm cũng giống như vậy. Bạn bắt đầu với một góc nhỏ trong cuộc sống của mình, ví dụ, cách bạn trả lời điện thoại. Mỗi lần điện thoại đổ chuông, bạn dừng lại và thực hành ba hơi thở thật chậm, thật dài, sau đó thì nhấc máy. Bạn hãy làm điều này trong vòng một tuần hoặc lâu hơn cho đến khi nó trở thành một thói quen. Sau đó bạn lại thực hành thêm một loại chánh niệm khác, như chánh niệm trong khi ăn chẳng hạn. Khi loại chánh niệm này trở thành một phần trong đời sống của bạn, thì bạn có thể thực hành thêm loại chánh niệm khác. Dần dần, bạn hiện hữu ở hiện tại và tỉnh giác trong nhiều giây phút hơn. Trải nghiệm dễ chịu về cuộc đời sống trong tỉnh giác bắt đầu xuất hiện.
Những bài tập trong cuốn sách Chẳng Cần Ngồi Yên Vẫn Có Thể Thiền chỉ ra nhiều khoảng trống khác nhau trong đời sống mà bạn có thể bắt đầu lấp kín bằng những gam màu ấm áp của thực hành chánh niệm khơi mở từ trái tim.
Chánh niệm là gì và tại sao chánh niệm lại quan trọng?
Trong những năm gần đây, mối quan tâm tới chánh niệm tăng lên rất nhiều trong giới nghiên cứu, các nhà tâm lý học, các nhà vật lý học, các nhà giáo dục học và trong đời sống công chúng nói chung. Chánh niệm là chủ định tập trung hoàn toàn vào những gì đang xảy ra xung quanh bạn và bên trong bạn – trong thân, tâm và trí của bạn. Chánh niệm là nhận biết mà không chỉ trích hay phán xét. Có lúc chúng ta có chánh niệm và có lúc thì không. Một ví dụ cụ thể là việc chú ý vào đôi tay trên vô lăng khi bạn đang lái xe. Hãy nhớ lại lần đầu tiên bạn học lái xe, chiếc xe đã rung lắc và lăn bánh vào con đường khi đôi tay của bạn vụng về xoay vô lăng ngược xuôi, điều chỉnh đi điều chỉnh lại. Bạn hoàn toàn tỉnh thức, hoàn toàn tập trung vào đôi tay khi lái xe. Sau một thời gian, đôi tay của bạn đã học được cách nắm vô lăng thuần thục, có thể điều khiển xe tự động và tinh tế. Bạn có thể điều khiển chiếc xe chuyển động nhẹ nhàng về phía trước mà không cần phải quá tập trung vào đôi tay. Bạn có thể vừa lái xe, vừa nói chuyện, vừa ăn và vừa nghe radio cùng một lúc. Từ đó phát khởi kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều có, kinh nghiệm lái xe ở chế độ tự động.
Có rất nhiều lợi ích trong thực hành chánh niệm. Nghiên cứu về hạnh phúc do Kirk Warren Brown và Richard M. Ryan tại trường Đại học Rochester thực hiện cho thấy rằng “những người đạt được mức độ chánh niệm cao là hình mẫu về sức khỏe tinh thần tích cực và mạnh mẽ”. Chánh niệm giúp giảm những cơn đau trong tâm, trí và cả thân. Nhưng đừng tin lời tôi chỉ vì tôi nói như vậy. Hãy thử các bài tập trong cuốn sách Chẳng Cần Ngồi Yên Vẫn Có Thể Thiền khoảng một năm và tìm hiểu xem chúng thay đổi cuộc sống của chính bạn như thế nào.

2/ Chánh Niệm Cho Người Bận Rộn 

Chánh Niệm Cho Người Bận Rộn được thiết kế như một cuốn cẩm nang thực hành chánh niệm cơ bản. Sau khi đọc nó, bạn sẽ học được cách quản lý lịch trình kín bưng, cách vượt qua cảm giác ngột ngạt với những công việc tưởng chừng không hồi kết. Ban đầu bạn có thể cho rằng thực hành chánh niệm tiêu tốn thời gian, nhưng bạn sẽ sớm nhận ra nó giúp bạn có cuộc sống ý nghĩa.
 Chánh Niệm Cho Người Bận Rộn gồm 5 phần, là điểm khởi đầu hữu ích cho hành trình thực hành chánh niệm của bạn về sau. Tuy nhiên, nếu bạn đã biết đến chánh niệm trước đó rồi, chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ truyền cảm hứng để bạn thử nghiệm những phương pháp thực hành mới cũng như duy trì thói quen thực tập của mình. Bạn có thể nghiền ngẫm từng phần trong sách và thực hành từng bài tập cho nhuần nhuyễn trước khi tiến đến bài tiếp theo. Hoặc bạn có thể đọc một mạch hết cuốn sách, rồi quay lại mỗi phần và thực hiện bất kỳ bài tập nào bạn yêu thích.
Những nội dung chính trong sách Chánh Niệm Cho Người Bận Rộn:
+ Cách chánh niệm cải thiện cuộc sống bận rộn của bạn.
+ Các phương pháp thực hành chánh niệm phù hợp với nhịp sống bận rộn mà không phải thay đổi điều gì trong đời.
+ Từng bước đơn giản để tiếp cận với chánh niệm và cơ hội để thực hành chánh niệm, dù có bận đến mức nào.
+ Cách yêu thương chính bản thân mình trong tỉnh thức, nhờ đó việc sống đời bận rộn sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
+ Cách giảm tải áp lực và có cuộc sống hạnh phúc trong từng phút giây.
+ Sự gắn kết với những điều quan trọng nhất trong cuộc đời bạn, từ đó giúp bạn có được cuộc sống mình hằng mong ước.

3/ Mindful Running - Chạy Trong Chánh Niệm

Như thế nào là chạy trong chánh niệm?
Với Mackenzie L. Havey, cuộc sống sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn nhiều nếu xác định rằng chạy bộ chỉ đơn thuần là chạy bộ mà thôi. Và hành trình đến với chánh niệm trong chạy bộ đã bắt đầu như thế. Về mặt định nghĩa, “chánh niệm” là cách chúng ta duy trì trạng thái nhận thức hiện tại về cơ thể, tâm trí và môi trường xung quanh với tư duy không phán xét. Chạy trong chánh niệm là một hình thức hành thiền khi đang chuyển động – một phương pháp nhắc nhở bạn hãy nhận thức và có mặt trong hiện tại khi đang chạy. Nó hướng dẫn bạn cách dấn thân vào các trải nghiệm với sự chú tâm cao độ và cảm nhận được tín hiệu của cơ thể khi nào cần phải điều chỉnh.
Điều tuyệt vời nhất từ việc thực hành chánh niệm trong chạy bộ với có lẽ là sự tĩnh lặng và khả năng tập trung – hai yếu tố đã hòa quyện hoàn toàn vào những khía cạnh khác trong cuộc sống. Nhờ đó, bạn sẽ biết cách tập trung vào công việc và vượt qua những chông gai trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn.
Cuối cùng, Chạy Trong Chánh Niệm là chiếc cầu nối giữa cơ thể, tâm trí và môi trường xung quanh để giúp bạn đạt được hiệu quả cao nhất cho buổi chạy... Dù cho bạn muốn buổi chạy thoải mái hơn khi mới bắt đầu, tốc độ nhanh hơn, cự ly dài hơn để vượt qua giới hạn bản thân, hay chỉ để giải tỏa căng thẳng khi xỏ giày và chạy, thì quyển sách này chính là tài sản quý nhất của bạn đấy. Hãy thử chánh niệm khi chạy bộ nhé!

4/  Trồng Một Nụ Cười - Cùng Trẻ Thực Hành Chánh Niệm (Bìa Mềm)

Hiện nay, vai trò của chánh niệm trong giáo dục ngày càng được công nhận một cách rộng rãi. Sự thực tập chánh niệm giúp học sinh tăng cường khả năng chú tâm, ý thức và làm chủ được các hoạt động của thân, điều phục các cảm xúc mạnh cũng như phát triển các kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong mối liên hệ giữa mình với mọi người. Nhưng quan trọng hơn hết, chánh niệm giúp các em phát triển một cách toàn diện và lành mạnh, nuôi lớn niềm vui, sự bình an và tự tin nơi chính mình, thông qua những phương pháp thực tập làm lắng dịu căng thẳng, lo lắng và bạo động trong tự thân.
Thực tế là hệ thống giáo dục của chúng ta thường đặt trọng tâm vào thành tích thi cử mà chưa chú trọng đầy đủ đến việc dạy cho các em cách chăm sóc những cảm xúc của mình, cũng như các phép ứng xử cần thiết khi giao tiếp với xã hội. Lẽ tất nhiên là trường học cần trang bị cho các em những kỹ năng và kiến thức cần thiết, nhưng việc giúp các em có thêm sức mạnh và sự vững chãi khi đối diện với những cơn bão cảm xúc, cũng như khả năng chấp nhận và bao dung trước những khác biệt trong nhận thức, lối sống của con người trong xã hội cũng quan trọng không kém. Sự thực tập chánh niệm có công năng rất lớn trong việc giúp các em phát triển những kỹ năng chế tác và nuôi lớn bình an trong tự thân, góp phần vào sự bình an của môi trường xung quanh mình.
Cách đây một vài năm, hiệu trưởng của trường nữ sinh Welham (Welham Girls’ School) ở Dehra Dun, Ấn Độ có mời tôi chia sẻ một vài phương pháp thực tập chánh niệm với học sinh của trường nhằm giúp các em bớt căng thẳng trong các kỳ thi. Trong buổi chia sẻ đó, tôi nhận ra rằng những bài thực tập đơn giản về hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm đã có thể giúp các em lấy lại được sự bình an, lắng dịu và bớt lo lắng.
Cuốn sách về chánh niệm này là một cuốn cẩm nang dành cho tất cả những ai muốn thực tập và chia sẻ chánh niệm với trẻ em. Để có thể chia sẻ từ kinh nghiệm của chính mình, chúng ta cần thực tập trước tiên. Nếu chúng ta áp dụng những phương pháp thực tập trong cuốn sách này với gia đình và trẻ em trong cộng đồng nơi chúng ta ở thì cả trẻ em và người lớn đều được hưởng năng lượng bình an, tươi vui và hòa điệu mà sự thực tập mang lại.
Mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng đến những thành viên khác trong cộng đồng. Vì vậy, khi có một vài nhóm nhỏ thực tập chánh niệm trong trường học hay trong cộng đồng, năng lượng bình an từ những nhóm người này sẽ có tác động lan tỏa rất lớn. Sự gắn kết, hòa điệu giữa con người với nhau cũng như với môi trường thiên nhiên xung quanh nhờ đó mà lớn dần lên. Chính trong bầu không khí an lành này, trẻ em mới có thể vui vẻ, thoải mái phát huy mọi tài năng vốn có của mình.
– Shantum Seth, một giáo thọ cư sĩ thực tập theo truyền thống Làng Mai,
viết tại Delhi, Ấn Độ, năm 2010

5/ Dạy Con Trong Chánh Niệm

 Dạy con trong chánh niệm là Cuốn sách về chánh niệm hay nhất dành cho những người quan tâm tới việc thực hành chánh niệm trong khi nuôi dạy trẻ. Cuốn sách này chủ yếu dành cho các bậc cha mẹ (hoặc những người sắp làm cha mẹ), nhưng nó cũng hữu ích với những người khác có tham gia chăm sóc trẻ như ông bà hoặc người giữ trẻ.
Chánh niệm có thể được sử dụng xuyên suốt trong cuộc sống gia đình như một nguyên tắc hướng dẫn nuôi dạy trẻ tại bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, cuốn sách này chủ yếu đưa ra ví dụ trong những năm đầu làm cha mẹ, bởi trong thời kỳ căng thẳng này, các bậc cha mẹ thường phải tìm ra những cách thức mới để đối mặt với các thử thách mà họ gặp phải.

6/ Chánh Niệm Ứng Dụng Mỗi Bữa Ăn Là Một Phước Lành 

Quyển sách về chánh niệm này là một lời mời gọi nhẹ nhàng mọi người tham gia vào quá trình chữa lành đó, và là một cuốn sổ tay hướng dẫn thông thái đồng hành cùng bạn trên con đường tiến đến sự toàn vẹn của cuộc đời. Ngày nay, không có nơi đâu mà những yếu tố như thiếu ý thức, nghiện ngập và ảo tưởng lại biểu hiện chua chát và bi kịch như trong mối quan hệ đầy rối loạn và mất trật tự của chúng ta với thực phẩm và việc ăn uống. Những bệnh lý mất cân bằng này lại chịu sự tác động của các yếu tố phức tạp trong xã hội hiện tại. Đáng buồn thay, chúng tạo ra những quy chuẩn văn hóa ủng hộ cho những loại ảo tưởng, ám ảnh và bận tâm bất tận về cân nặng. Nó biểu hiện bằng sự khó chịu, bất mãn âm ỉ và lan rộng, đôi khi khiến ta bị chìm đắm và phải trả giá quá đắt, về việc một người phải trông như thế nào ở vẻ bên ngoài và cảm thấy như thế nào trong thâm tâm

7/ Trị Liệu Ung Thư Bằng Chánh Niệm 

Trị liệu ung thư bằng chánh niệm là một tập sách y học ghi chép lại kinh nghiệm của thầy Chân Pháp Đăng về quá trình trị liệu thành công căn bệnh ung thư ruột già của thầy mà không sử dụng những phương pháp y khoa hiện đại như hóa trị, xạ trị…. Đó là những phương pháp trị liệu bằng lối sống chánh niệm, liên quan mật thiết tới một đời sống thân thiện với môi trường thiên nhiên, sử dụng thiên nhiên và năng lượng trong lành từ thiên nhiên làm liều thuốc chính chữa lành căn bệnh.
Thông qua hành trình vượt qua cái chết, thầy Chân Pháp Đăng muốn chia sẻ với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ tinh thần lạc quan, bình tĩnh đối diện với bệnh tật, sống chánh niệm, sống tỉnh thức trong từng phút giây để tiếp xúc với những gì là lành mạnh và trong mát của đời sống này.
Hành trình kỳ diệu chiến thắng bệnh tật, cùng lối sống lành mạnh, hòa hợp với thiên nhiên của thầy là một bài học quý cho mỗi chúng ta. Đặc biệt khi mà xung quanh chúng ta đời sống hiện đại đang ngày càng có xu hướng cướp đi những phút giây trong lành của mỗi người, và con người ngày càng phải đối diện với nhiều thứ bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư. Cuốn sách giống như một vị cứu tinh nhỏ, một ánh sáng phía cuối đường hầm cho những ai đang đối diện với căn bệnh ung thư kinh khủng, và là liều thuốc quý cho thân nhân, bạn bè  của họ, là nguồn động viên, là tấm gương mà mỗi người chúng ta đều có thể học tập theo.
Mở đầu cuốn sách về chánh niệm này, Thầy Chân Pháp Đăng chia sẻ: “Tôi chia sẻ các phương pháp điều trị ung thư không phải để khoe khoang kiến thức về bệnh tật, y khoa và thiền học. Thú thật, tôi không biết gì về bệnh tật và y khoa. Cách đây hai năm rưỡi, tôi bị ung thư ruột già. Có lẽ khối u này nằm trong cơ thể tôi từ lâu rồi, nhưng tôi bắt đầu đau ở bụng phía bên phải khoảng bảy tháng. Có lúc cơn đau dữ quá, cơ thể tôi lên cơn sốt ngay trong mùa Đông mà mùa Đông bên Mỹ lạnh lắm. Mỗi lần đau quá, tôi đặt hai bàn tay lên chỗ đau cho đến khi cơn đau bớt xuống, đó là cách em tôi chỉ cho tôi. Tôi bảo là tôi không biết gì về y khoa và bệnh tật là một sự thật, vì tôi hoàn toàn không biết rõ mình bị bệnh nặng như vậy. Tôi lại không thích đi khám bệnh, tôi không có niềm tin và thiện cảm với cách khám bệnh máy móc của một số đông bác sĩ. Tôi thành thật xin lỗi các bác sĩ, bởi tìm ra một bác sĩ có lòng, lương tâm, thì giờ và kiến thức sâu sắc về tật bệnh thật là hiếm.”

8/  Gieo Trồng Hạnh Phúc

Chúng ta thường quá bận rộn đến nỗi quên mình đang làm gì, hoặc có khi ta quên mình là ai. Thậm chí có người quên mất là mình đang thở. Ta quên nhìn những người thương của ta và trân quý sự có mặt của họ, cho đến một ngày họ đi xa hay qua đời ta mới thấy hối tiếc. Có khi rảnh rỗi đi nữa, ta cũng không biết cách tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong ta. Vì vậy ta mở ti vi lên xem hoặc nhấc điện thoại gọi cho ai đó. Ta nghĩ làm như thế là ta có thể trốn thoát được chính mình.
Ý thức về hơi thở là tinh yếu của chánh niệm. Theo lời Bụt dạy, chánh niệm là nguồn suối phát sinh hỷ lạc. Hạt giống chánh niệm có trong mỗi chúng ta nhưng thường thì ta quên tưới tẩm hạt giống đó. Nếu biết cách nương vào hơi thở, nương vào bước chân của mình, chúng ta có thể tiếp xúc được với những hạt giống an lành ấy và cho phép chúng biểu hiện. Thay vì nương vào những ý niệm trừu tượng về Bụt, về Chúa hoặc về Allah, chúng ta có thể tiếp xúc được với Bụt, với Chúa trong từng hơi thở và bước chân của mình.
Điều này nghe có vẻ dễ dàng và ai cũng có thể làm được, tuy nhiên đòi hỏi ở chúng ta một sự tập luyện. Quan trọng là tập dừng lại. Dừng lại như thế nào? Dừng lại bằng hơi thở vào ra và bước chân của mình. Vì vậy pháp môn căn bản của chúng ta là hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm. Nếu nắm vững những pháp môn này, chúng ta có thể ăn, uống, nấu nướng, làm việc, lái xe… trong chánh niệm. Và chúng ta luôn luôn an trú trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây.
Thực tập chánh niệm (smrti) đưa đến định (samadhi) và định đưa đến tuệ (prajna). Tuệ giác mà ta đạt được từ sự thực tập chánh niệm có khả năng giải phóng chúng ta ra khỏi những tình trạng sợ hãi, lo âu, tuyệt vọng và đem lại hạnh phúc đích thực cho ta. Chúng ta có thể sử dụng những đối tượng đơn giản như bông hoa để thực tập chánh niệm. Khi cầm bông hoa trong tay, chúng ta ý thức về bông hoa. Hơi thở vào ra giúp ta duy trì ý thức. Thay vì để cho những suy nghĩ trấn ngự hoặc lôi kéo, ta trở về có mặt cho bông hoa và thưởng thức vẻ đẹp của bông hoa. Định lực sẽ trở thành nguồn suối phát sinh niềm vui trong ta.
Để thưởng thức trọn vẹn những món quà mà cuộc sống ban tặng, chúng ta phải thực tập chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi dù đang đánh răng, chuẩn bị thức ăn sáng hay lái xe đi làm. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở có thể là một cơ hội đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc. Cuộc sống đầy dẫy khổ đau. Nếu không đủ hạnh phúc, ta sẽ không chăm sóc được nỗi khổ đau và tuyệt vọng của mình. Chúng ta hãy thực tập với tinh thần nhẹ nhàng thư thái, với tâm hồn rộng mở bao la và với một trái tim sẵn sàng lắng nghe, chấp nhận. Thực tập là để nuôi lớn hiểu biết chứ không phải để phô trương hình thức. Có chánh niệm, ta có thể nuôi lớn được niềm vui trong ta, giúp ta xử lý tốt hơn những khó khăn thách thức trong cuộc sống và biết cách chế tác tự do, an lạc, thương yêu trong mỗi chúng ta. Không phải tự nhiên mà “Gieo trồng hạnh phúc” là một trong những cuốn sách về chánh niệm bán chạy nhất trên thị trường, hãy thử đọc và trải nghiệm nó nhé.

9/ Search Inside Yourself - Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới

Khoá học Search inside yourself - Tìm kiếm bên trong bạn là 1 trong 12 khóa học về thiền mà hàng ngàn kỹ sư của Google tham gia hàng năm để tăng khả năng “cân bằng nhận thức” về sự vật, sự việc xung quanh. Dù bạn đang học thiền ở mức cơ bản hay nâng cao, nếu bạn muốntìm hiểu kỹ hơn về Mindful Leadership, đây là một quyển sách phù hợp.
Tác giả cuốn sách cũng là người khởi xướng khoá học này. Ông đúc kết những kinh nghiệm từ khoá học cùng với những bài tập thiền để bất kỳ ai cũng có thể luyện tập được. Từ ngữ được sử dụng đơn giản, dễ hiểu. Nếu kiên trì thực hành, bạn sẽ làm chủ được cảm xúc của mình và mang niềm vui đến cho cuộc sống.
Lời kết
Trên đây là 9 cuốn sách về chánh niệm hay nhất giúp bình an trong tâm hồn mà ai cũng nên đọc. Cuộc sống ngày càng phát triển, điều này cũng  khiến con người ta phải suy nghĩ, phải đấu tranh, họ cứ mãi chạy theo những thứ phù phiếm mà quên mất bản thân mình cần được thanh tẩy, cần được gột rửa. Điều quan trọng hơn hết không phải là danh vọng, là tiền bạc, mà là sự bình yên trong tâm hồn mình.

► 
7 Cuốn Sách Chủ Nghĩa Tối Giản Ai Cũng Nên Đọc
 
​Hè Đến Rồi, Đọc Gì Đây?