Cuộc Chiến Thương Hiệu - Sáng Tạo Hay Chịu Chết?
Trong hoạt động kinh tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã dùng chiêu trò để xây dựng hình ảnh của mình nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Ngành quan hệ công chúng (PR) chỉ đào tạo chuyên môn giải quyết khủng hoảng chứ không đào tạo chiêu trò tạo ra khủng hoảng nhằm hạ đối thủ để chiếm thị phần bán hàng. Sử dụng chiêu trò cố tình tạo ra khủng hoảng, nếu kiểm soát được thì sẽ phát huy tác dụng với điều kiện đi kèm là thương hiệu đó phải sẵn sàng cho kịch bản đưa ra giải pháp mở nút thắt khi đã kích hoạt khủng hoảng lên đỉnh điểm. Ngược lại, việc tạo ra khủng hoảng, sau khi kích hoạt, nếu như doanh nghiệp hay cá nhân không kiểm soát, không chủ động giải quyết theo kịch bản đã lên thì xem như “tự đào mộ chôn mình”.
Khi sử dụng chiêu trò, các doanh nghiệp thường chọn lối thoát hiểm bằng giải pháp sáng tạo “làm lạnh” nhằm lấy lại thiện cảm từ dư luận sau cơn bốc hỏa! Kịch bản giải quyết khủng hoảng này phải dựa trên tinh thần cầu thị, nhận ra được cái sai của mình, biến mình trở thành nạn nhân! Các doanh nghiệp hoạt động kinh tế ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận thì còn phải tạo ra giá trị cho xã hội. Tuy nhiên, chiêu trò lệch chuẩn trong truyền thông chỉ vì tạo ra lợi nhuận cho cá nhân hay tổ chức trong ngắn hạn mà bị dư luận phản ứng, tạo hệ lụy xấu cho xã hội thì xem như đi ngược lại với chiến lược xây dựng thương hiệu.
Có nhiều cách để xây dựng thương hiệu cá nhân hay thương hiệu của một tổ chức, nhưng chọn chiêu trò hay hành động phản cảm trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại các giá trị đã được xã hội xác lập hay vượt qua lằn ranh đỏ về đạo đức nghề… để tạo ra điều đó thì cho thấy đạo đức của người thực hiện đang có vấn đề, thương hiệu phát triển với triết lý kinh doanh không bền vững, không có trách nhiệm với xã hội…
Một thương hiệu cá nhân được xem là thực dụng, chạy theo đồng tiền hay một thương hiệu của tổ chức bất chấp mọi quy chuẩn đạo đức xã hội thông thường nhằm thực hiện có chủ đích các chiêu trò lệch chuẩn để xây dựng hình ảnh, điều đó không tạo ra một thông điệp hữu ích nào mà còn khiến cho dư luận phản ứng gay gắt, thậm chí tẩy chay thương hiệu.
Sử dụng chiêu trò trong truyền thông hay quảng cáo “dìm hàng” đối thủ được xem như trò chơi với dao! Chiêu trò trong truyền thông thuộc phạm trù đạo đức trong kinh doanh, việc lựa chọn cách xây dựng thương hiệu phụ thuộc vào triết lý kinh doanh của ông chủ doanh nghiệp.
Thi thoảng vẫn xuất hiện những doanh nghiệp chủ đích sử dụng chiêu trò tạo ra khủng hoảng để gây hiệu ứng nhằm đạt mục tiêu bán được hàng. Sự thành công hay thất bại, chính thái độ của dư luận là thước đo chính xác nhất cho việc truyền thông lệch chuẩn có còn đất sống hay không?
Hy vọng nội dung cuốn sách này sẽ mang đến cho bạn đọc trải nghiệm bổ ích từ những câu chuyện thực tế để qua đó mỗi người tự rút ra cho mình một bài học trong quá trình xây dựng và quản trị thương hiệu cá nhân hay tổ chức.