Cổ Vận Tân Phong
Kể từ sau khoa thi chữ Hán cuối cùng được tổ chức năm 1919, chẳng những nền Nho học ở nước ta bị xóa bỏ, mà cả thứ văn tự đã gắn bó hàng ngàn năm với dân tộc ta - chữ Hán - cũng gạt ra ngoài đời sống chính trị xã hội quốc gia. Những thế hệ nhà Nho cuối cùng khi ấy như Tú Xương chẳng hạn, đã phải cay đắng thốt lên: “Nào có ra gì cái chữ Nho!” và cùng với đó là “Vứt bút lông đi giắt bút chì!”.
Trong bối cảnh ấy, tưởng chừng nền văn chương chữ Hán ắt sớm theo cùng các khoa thi Hán học, với chữ Nho, bút lông trở thành dĩ vãng. Nhưng không. Các vị khoa bảng, những người từng theo học chữ Nho từ xưa như Bùi Kỷ, Bùi Bằng Đoàn, Võ Liêm Sơ vẫn còn quyến luyến với nền tư văn cũ mà viết nên những bài thơ chữ Hán phản ánh đời sống chính trị xã hội khi ấy đã đành, mà ngay cả những lãnh tụ cách mạng, hay nhân sĩ, trí thức khác, dẫu chưa từng tham dự các khoa thi Nho học cũng vẫn có một phần trong các sáng tác thi ca của mình được viết bằng chữ Hán. Ví như những bài thơ chữ Hán của chủ tịch Hồ Chí Minh, hay muộn hơn nữa sau này là nhà viết kịch Tào Mạt cũng từng có những tập thơ chữ Hán được xuất bản.
Qua ngàn năm gắn bó với nền văn hiến Việt Nam, đến nay, dẫu chữ Hán chữ Nôm đã lui lại một bước nhường vai trò chính trong đời sống xã hội cho chữ Quốc ngữ, nhưng vẫn luôn có lớp lớp thế hệ người Việt tiếp tục học tập, nghiên cứu chữ Hán, chữ Nôm để tìm hiểu, nối tiếp, phát huy nền văn hóa ngàn năm của cha ông. Cùng với quá trình học tập trau dồi chữ Hán, văn chương Hán Nôm ấy, như một lẽ tất nhiên văn thơ chữ Hán đã ngấm vào tâm hồn họ, hòa vào huyết quản họ, khiến họ không chỉ là yêu mến say mê với văn chương của tiền nhân để lại, mà còn thôi thúc họ tự viết nên những vần thơ bài văn của chính mình, làm cho những vần điệu văn chương xưa lại được hiện ra trên giấy với một phong khí mới. Đó chính là ý nghĩa của bốn chữ Cổ Vận Tân Phong mà chúng tôi đặt cho dự án văn chương chữ Hán của các tác giả đương đại này!
Với 12 tác giả tham gia dự án lần này, có người là những nhà nghiên cứu, giảng viên chuyên ngành Hán Nôm hay Văn chương cổ trung đại, có người là dịch giả, thư pháp gia triện khắc gia chữ Hán, nhưng cũng có tác giả chỉ là người yêu mến tự học tập chữ Hán, và sáng tác văn chương bằng chữ Hán. Có người hiện sống trong nước, những cũng có người là người Việt hiện sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Điều ấy càng cho thấy một sức sống, sức lan tỏa to lớn của nền văn chương, văn tự truyền thống, một mạch ngầm dù khi mạnh mẽ, lúc âm thầm, nhưng vẫn luôn chảy mãi trong tâm hồn những người con đất Việt.
Được biết, các sáng tác bằng chữ Hán của các tác giả được thể hiện ở rất nhiều loại hình và tương đối đa dạng. Nhưng trong khuôn khổ của cuốn sách này, chúng tôi mới chỉ giới hạn ở thể loại thơ và từ được viết bằng chữ Hán. Hy vọng rằng, cuốn sách sẽ giúp các bạn yêu văn chương nói chung, và văn học chữ Hán nói riêng được thấy phần nào nguồn mạch văn chương cha ông xưa vẫn đang tiếp tục âm thầm tuôn chảy cho tới hôm nay, và mai sau.