Babel Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ
Những người say mê nghiên cứu ngôn từ sẽ thu được nhiều niềm vui thích từ cuốn sách này [...] Các ngọn tháp Babel tất yếu sẽ sụp đổ, nhưng sẽ có thứ gì đó lớn lao và có lẽ thậm chí là vĩ đại hơn luôn luôn mọc lên thế chỗ chúng.
- The New Zealand Listener
Đây là cuốn sách thú vị và giá trị cho mọi độc giả muốn tìm hiểu về ngôn ngữ học.
Sự đa ngữ của loài người là một món quà hay một sự trừng phạt? Và, liệu ngọn tháp Babel ngôn ngữ có đáng mơ ước hay không? “Nói được thêm một ngôn ngữ chính là có thêm một tâm hồn”, đó là phát biểu của Hoàng đế Charlemagne. 6000 ngôn ngữ hiện có của thế giới là 6000 vũ trụ tinh thần khác nhau, nơi tích lũy nguồn tri thức và văn hóa vô cùng đa dạng của nhân loại. Năng lực đa ngữ giúp một người có thể sống một đời sống phong phú và cảm thông với nhiều góc nhìn. Tình trạng đơn ngữ, dù đó là thứ ngôn ngữ được ưa chuộng nhất thế giới, cũng sẽ thu hẹp khả năng trải nghiệm cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta đang mất đi một ngôn ngữ mỗi tuần. Và theo thống kê, một nửa số ngôn ngữ sẽ mất đi trong hơn một trăm năm tới.
Gaston Dorren, tác giả của cuốn sách viết về 20 “người khổng lồ” trong số 6000 ngôn ngữ của thế giới bao gồm tiếng Việt này, đã dành rất nhiều tâm huyết cho nỗ lực tìm hiểu các ngôn ngữ khác nhau và góp phần duy trì trạng thái đa dạng về ngôn ngữ của nhân loại. Trong từng chương viết về mỗi ngôn ngữ, Dorren dồn nén cả những dữ kiện quan trọng lẫn phù phiếm nhưng hấp dẫn giúp cho việc đọc trở nên thú vị. Ví dụ như, các ngôn ngữ được sử dụng cho những mục đích dân tộc chủ nghĩa ra sao? tại sao các ngôn ngữ châu Âu vẫn còn đang được sử dụng ở nhiều cựu thuộc địa? tại sao người Brazil ngày nay lại gọi Bồ Đào Nha – đất nước “mẫu quốc” xưa kia và cũng là quê hương của ngôn ngữ chính thức tại Brazil – là “đất nước bé nhỏ”? ngôn ngữ được sử dụng cho hai giới ở Nhật Bản khác nhau như thế nào? nguyên nhân của việc ban hành “Đạo luật Sinhala độc tôn” và những hệ quả của nó đối với tình hình xung đột sắc tộc tại Sri Lanka? Có những phương ngữ của tiếng Hmong có tới 12, thậm chí 14, thanh điệu. Tiếng Quan thoại dù có cả tỉ người nói và được hậu thuẫn bởi sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và vị thế chính trị của đất nước Trung Quốc nhưng vẫn khó có thể soán ngôi tiếng Anh. Và, tiếng Anh, ngôn ngữ cầu nối với tỉ lệ người dùng lên tới một phần tư dân số thế giới, có khả năng sẽ dần dần bị chia tách thành những biến thể chịu ảnh hưởng của các ngôn ngữ địa phương, khác xa với nguồn chung ban đầu, giống như tiếng Latinh nhiều thế kỷ trước.
Khác với một cuốn sách học thuật đầy “hăm dọa”, Babel Vòng Quanh Thế Giới Qua Hai Mươi Ngôn Ngữ rất dễ tiếp nhận, ngay cả với những người đọc không có nền tảng dày dặn về ngôn ngữ học, nhờ tác giả của nó có tài lý giải những khái niệm ngôn ngữ học khó hiểu nhất theo cách dễ hiểu và cách tổ chức các chương, mục vừa ngắn gọn, nhiều thông tin, vừa hóm hỉnh, cuốn hút.
Các bài viết liên quan:
Newshop hân hạn giới thiệu đến quý bạn đọc!