Một Thư Viện Ở Paris
Nếu bạn có thể dành hàng giờ trong các hiệu sách nhỏ, thích một cuốn sách hay, yêu mùi sách và thường tìm đến thư viện để thư giãn, thì Một thư viện ở Paris là cuốn sách dành cho bạn.
Dựa trên câu chuyện có thật trong Thế chiến thứ Hai về những thủ thư anh hùng của Thư viện Hoa Kỳ ở Paris, Một thư viện ở Paris của Janet Skeslien Charles kể về một câu chuyện khó quên về tình yêu đầy lãng mạn, tình bạn và gia đình trong tình cảnh bi đát và tăm tối nhất. Cuốn sách xoay quanh người phụ nữ Pháp như Odile. Cô ấy yêu mọi thứ về sách cũng như thư viện. Cô ấy đã ghi nhớ hệ thống Dewey Decimal, thậm chí, cô ấy còn bị mê mẩn cả mùi của những cuốn sách.
Với Odile, năm 1939, dường như là một năm hoàn hảo dành cho cô, cô đã đạt được thành công trong sự nghiệp và tìm thấy hạnh phúc của mình. Cô đã nhận được công việc mà bấy lâu mình hằng mơ ước đó là trở thành thủ thư của Thư viện Hoa Kỳ ở Paris, đồng thời gặp và yêu một cảnh sát quyến rũ người Pháp. Tuy nhiên, khi Đức Quốc xã tiến vào và chiếm đóng Paris, mọi thứ thay đổi, không chỉ với Odile mà còn với tất cả người dân của thành phố.
Các thư viện trở thành mục tiêu để Phát xít thôn tính về văn hóa, chúng yêu cầu những thư viện tiêu hủy những cuốn sách và những tài liệu mà chúng cho là không phù hợp và độc hại, ảnh hưởng đến chế độ hoặc những cuốn sách mà tác giả là người Do Thái. Người Do Thái cũng bị cấm vào những khu vực nhất định trong đó có thư viện, và một số thư viện buộc phải đóng cửa. Nhưng Thư viện Hoa Kỳ ở Paris vẫn quyết tâm mở cửa và tiếp tục hoạt động bằng cách giao sách đến tận tay những người không được phép vào bên trong, cũng như gửi đi các tài liệu đọc bị cấm thay vì tiêu hủy chúng.
Trong những năm sau đó, những bi kịch liên tiếp xảy ra, tác động đến những quyết định trong cuộc đời của Odile: việc người anh em song sinh của cô bị bắt khi tham gia trận chiến, những biến cố xảy ra cho người bạn và cũng là người đắc lực giúp đỡ cô hoàn thành những công việc ở thư viện, và khi chiến tranh kết thúc, Odile đã phản bội cô ấy, khiến Odile không thể ở lại đây, ở lại Paris yêu quý của mình. Cô kết hôn với một người lính Mỹ và chuyển đến Montana, nơi cô sống nhiều năm trong cô đơn như một người ngoài cuộc.
Năm 1983, khi viết một bài nghiên cứu về nước Pháp, Lily, mười ba tuổi gõ cửa nhà người hàng xóm bí ẩn. Cô bé tò mò về cuộc sống của Odile và lý do tại sao cô ấy rời khỏi Pháp, nhưng Odile hiếm khi kể về quá khứ của mình. Trong những tháng ngày tới, một tình bạn bền chặt sẽ được hun đúc. Cùng nhau, Odile và Lily từ từ đối mặt với hậu quả của những lựa chọn trong quá khứ và hiện tại.
Cuốn tiểu thuyết là sự đan xen một cách tuyệt vời giữa Paris trong Thế chiến thứ Hai những năm 1940 và thị trấn nhỏ Montana những năm 1980. Thật hấp dẫn khi xem cận cảnh cuộc chiến trong Thế chiến thứ hai của Odile ở Paris, thông qua những trải nghiệm đáng sợ của chính nhân vật, cũng như tầm nhìn xa trông rộng của Lily, những gì cô bé đã học được trong lớp lịch sử. Với tư cách là độc giả, chúng ta nhìn cuộc chiến bằng lăng kính của hiện tại và tương lai – lịch sử sống lại và sau đó được làm sáng tỏ từ nhiều thập kỉ trong tương lai.
Đây là một câu chuyện phi thường về tình yêu, sự hy sinh, sự phản bội, lòng đố kị và cả sự tha thứ cho Odile cũng như Lily. Nó làm sáng tỏ những thực tế về cảm xúc thông qua tình yêu với chữ viết, thông qua nhu cầu của con người về sách và truyện. Hai cốt truyện kết hợp với nhau cho thấy cái nhìn sâu sắc về các mối quan hệ và tình bạn vượt thời gian và không gian. Quan trọng nhất, cuốn tiểu thuyết giúp chúng ta thấy rằng mọi thứ thường không giống như những gì chúng có vẻ là. Và, đó là một sự pha trộn tuyệt đẹp giữa thực tế và hư cấu.
Ngoài ra, Một thư viện ở Paris còn cho phép chúng ta nhìn rộng hơn về một thời gian khác, không gian khác và cuộc sống khác – một số chúng ta mơ ước, một số khác chúng ta sợ hãi – nhưng cuốn sách này sẽ chạm đến trái tim bạn. Nó khiến bạn muốn vượt ra ngoài các trang sách, khiến bạn phải ngạc nhiên, khiến bạn bật khóc hoặc mỉm cười. Cuốn sách cũng như một lời nhắc nhở rằng định nghĩa về anh hùng rất rộng. Có rất nhiều anh hùng thầm lặng – và cả các nữ anh hùng – đã làm những điều phi thường, có những hi sinh phi thường, nhưng câu chuyện về những người thủ thư này và những người bảo trợ của họ (dựa trên những con người và tình huống có thật) là hoàn toàn độc đáo và đáng kinh ngạc.
Phương châm của Thư viện Hoa Kỳ ở Paris là “Atrum post bellum, ex libris lux”, tiếng Latin nghĩa là “Ánh sáng của những cuốn sách, bừng lên trong đêm tối của chiến tranh.” Đây là một ví dụ hoàn hảo về cách mà văn học trở thành một trong những yếu tố quan trọng của cuộc sống, nó mang tất cả chúng ta lại gần nhau! Nó là chiếc cầu nối bất kì khoảng cách nào và là chất keo gắn kết tình bạn. Một thư viện ở Paris còn cho thấy những cuốn sách không chỉ khai sáng chúng ta mà còn là một lối sống. Khiến mỗi độc giả đều nhận ra rằng việc đọc sách không chỉ mở ra một con người mà còn đưa ta đến với thế giới mới, dạy chúng ta những từ vựng mới, nâng cao kĩ năng ngôn ngữ của chúng ta và quan trọng nhất là mang lại cho chúng ta niềm hi vọng trong những thời khắc đen tối. Sách mạng lại cho chúng ta niềm vui khi chúng ta gặp thất vọng, và cho chúng ta tình bạn khi chúng ta cảm thấy cô đơn bằng cách để chúng ta sống trong thế giới của nhân vật cùng với gia đình và bạn bè của họ.
Tác giả, Janet Skeslien Charles, làm việc tại Thư viện Hoa Kỳ ở Paris với tư cách là người quản lý chương trình vào năm 2010. Đây là nơi mà lần đầu tiên cô khám phá ra những câu chuyện về những thủ thư dũng cảm đã chiến đấu với quân Đức theo cách duy nhất mà họ có thể, không gì khác ngoài sách.
Tạp chí Kirkus đánh giá đây là “Một cuốn tiểu thuyết dành riêng cho những ai yêu sách và thư viện.” Một thư viện ở Paris nhắc nhở chúng ta về những điều khủng khiếp trong quá khứ, và tất cả những gì mà chúng ta phải biết ơn cho đến bây giờ. Hi vọng rằng tất cả những người yêu sách tìm thấy niềm an ủi trong câu chuyện này.