Ấn Kiếm Hồng Nhan
Cốt truyện bắt nguồn từ một sự việc có thật xảy ra vào một ngày đầu tháng 3 năm 1497. Hôm ấy vua Lê Thánh Tông băng hà tại hoàng cung ở Đông Kinh (Thăng Long). Kỳ lạ thay, hai báu vật của người cũng biến mất.
...Mội thời kỳ lịch sử diễn ra trong khoảng mười ba năm mà ngai vàng năm lần đổi chủ, không thể nói lả ổn định. Năm vị vua cầm quyền và ra đi với các nguyên do khác nhau nhưng nhiễu động đổi ngôi liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền chính trị nước nhà, chi phối cả ước nguyện được sống bình yên của thần dân trăm họ. Sự bất ổn tạo cơ hội để tha hóa và tiêu cực sinh sôi, nó đã diễn ra dồn dập, vô hình trung lấn át và làm lu mờ một vài chính sách trị quốc đúng đắn của các đế vương. Ánh hoàng kim cường thịnh tắt dần sau ngày đức vua Lê Thánh Tông khuất núi, tuy đôi lúc chợt lóe sáng nhưng chẳng được bao lăm, giang sơn xã tắc từng bước nhuốm màu ảm đạm. Nhưng tất cả chỉ là sự mở đầu, mười mấy năm kể trên chỉ là trang đầu tiên của một quá trình dài hàng trăm năm thê lương bậc nhất trong lịch sử nền độc lập nước nhà, vốn nằm ngoài nội dung của truyện.
...Thâu tóm ấn kiếm "thuận thiên" để nắm giang sơn xã tắc là nguyên tắc và nhu cầu tất yếu của người ngự trị ngai vàng. Song các ngài còn có nhu cầu khác, cũng thiết tha không kém, đấy là truyền giống và thỏa mãn dục tính. Trong chính sử nhà Lê thường bắt gặp các câu chữ bình phẩm về cái sự bệnh hoạn vì nhiều vợ, háo sắc, hoang dâm và chơi bời vô độ của các vua đương triều. Tính hệ thống của loại từ ngữ nhạy cảm này cho thấy quan hệ tình dục của đế vương đạt tới tầm mức ghê gớm và sử sách chẳng cần che đậy. Lạc thú của nhà vua với "tập đoàn" hậu cung của ngài quả là một bể dục vô bờ, có thể nhấn chìm cả chủ nhân của nó. Hồng nhan trở thành nhân tố đặc trưng khó có thể tách rời cuộc sống hằng ngày của các vị, chi phối cả phẩm chất lãnh đạo của họ, đôi khi còn tác động mạnh mẽ vào cấu trúc thượng tầng quân chủ. Sử sách viết về thời kỳ này có nhắc tới vai trò của một số nữ nhân là hậu, là phi của các vua, những đóa hồng thơm ngát long sàng nhưng lắm gai nhọn nên thi thoảng đâm rách thịt, thậm chí thấu tim chúa tể sơn hà. Thân phận đàn bà trong cung cấm thời quân chủ Lê Sơ dù là phi tần hay cung nhân vẫn nhuốm màu khinh bạc và lệ thuộc, chẳng hơn kém gì các triều đại trước và sau đấy. Song không hẳn vậy, có những lúc bằng lợi thế giới tính được sử dụng như một thứ vũ khí, họ đã "vùng lên", đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đòi cái mà mấy trăm năm sau người phương Tây gọi là "nữ quyền", nhằm chế ngự bản tính thống trị cố hữu của giới mày râu. Một cái liếc tình, mấy giọt nước mát, dăm câu nỉ non, vài lời hờn dỗi, tinh vi lắm cũng chỉ tới mức phô ra mác ái phi, mẫu hậu... "Vũ khí" của họ có vậy thôi, vậy mà đủ khiến nam vương đau tim buốt óc, soi xét kỹ ắt thấy địa vị đàn ông trong xã hội trọng nam khinh nữ ít nhiều bớt nặng. Những người đàn bà đổ bóng xuống ngai vàng của vua Lê có một vị trí đáng kể trong nội dung cuốn truyện.
Nhà sách Newshop trân trọng giới thiệu!