Xét về tổng thể, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 tương đối ổn định so với năm trước. Tuy nhiên, khi phân tích chi tiết từng môn sẽ thấy có một số khác biệt, điều này có ảnh hưởng đến điểm chuẩn xét theo từng tổ hợp năm nay? Nhiều chuyên gia dự báo Điểm chuẩn Đại học 2022 các ngành học xét tổ hợp A và C năm nay tăng từ 0,5 đến 1 điểm; ngành y dược và khối D1 điểm chuẩn giảm nhẹ. 

1. Điểm chuẩn Đại học 2022 Khối A, C tăng nhẹ

Căn cứ vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các chuyên gia đánh giá điểm các môn khối A năm nay đồng đều và thực chất hơn, vì thế điểm chuẩn khối A có thể tăng nhẹ.

Ở khối này, các mức điểm dưới 25-26 điểm có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ở mốc 26-27 điểm, năm 2022 có 8.808 thí sinh đạt ở mức điểm này, trong khi năm 2021 chỉ có 6.717 thí sinh. Tương tự với mức 27-28 điểm, năm 2022 có 2.977 thí sinh trong khi năm 2021 chỉ có 1.608 thí sinh. Riêng ở mốc điểm 29-30 điểm, năm 2021 chỉ có 12 em, trong khi năm 2022 có tới 58 em, nhiều gấp 4,8 lần. Điểm có nhiều thí sinh đạt nhất vẫn giữ tại mức 23,05.

TS Lê Đình Nam, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định nhìn chung phổ điểm các môn thi năm nay cao hơn so với năm 2021. Năm 2022, chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giảm mạnh, phổ điểm lại cao hơn, do đó, dự báo khả năng điểm trúng tuyển vào các ngành sẽ tăng nhẹ. TS Lê Đình Nam cũng cho rằng nếu như những năm trước, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH trước khi thi tốt nghiệp THPT và sẽ có một lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm. Như vậy, dựa vào số lượng thí sinh đăng ký và phổ điểm thi, các trường có thể dự báo tương đối chính xác mức điểm chuẩn vào các chuyên ngành. Thế nhưng, năm nay thí sinh chỉ đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng duy nhất trong một đợt, nên điểm chuẩn sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của thí sinh. Những ngành học thu hút nhiều thí sinh có điểm cao, đương nhiên điểm chuẩn cũng sẽ cao, tương tự những ngành có số lượng đăng ký ít hơn điểm chuẩn cũng sẽ thấp hơn.

Tương tự, ở khối C, phổ điểm tăng mạnh mẽ từ mốc 20-21 điểm. Từ mốc 24-27 điểm, phổ điểm năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 1,7 lần. Điểm trung bình khối C00 tăng 1,13 điểm, từ 18,4 năm 2021 lên 19,53 năm 2022. Thêm vào đó, mức điểm thí sinh đạt được nhiều nhất là 21 điểm, cao hơn năm ngoái tới 3 điểm. Ông Hồ Quang Khánh, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, cho rằng những ngành học, trường ĐH xét tuyển bằng các tổ hợp khối A, C điểm chuẩn sẽ tăng, ở mức nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm. 
Diem-trung-binh-to-hop-2022
Điểm trung bình các tổ hợp môn xét tuyển năm 2020 - 2022

2. Điểm chuẩn Đại học 2022 vào ngành y sẽ giảm?

Với khối B00, phổ điểm có sự tụt giảm đáng kể từ mốc 20-21 điểm trở đi. Số thí sinh đạt mốc 29-30 điểm giảm từ 73 năm 2021 xuống còn 11. Số bài thi đạt điểm 10 môn sinh từ 582 điểm năm 2021 xuống chỉ còn 5 điểm 10 năm 2022. Điểm trung bình khối B năm nay là 18,19, thấp hơn năm ngoái 0,56 điểm. Mức điểm nhiều thí sinh đạt được là 20,3, thấp hơn 0,5 điểm so với năm 2021.

PGS-TS Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết với các ngành tốp đầu như y khoa, răng hàm mặt tổng chỉ tiêu không đổi so với các năm trước, trong khi số điểm cao ở tổ hợp 3 môn khối B00 (toán, hóa, sinh) lại có xu hướng thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, năm nay chỉ có 4 thí sinh đạt trên 29 điểm khối B00, số lượng thí sinh đạt trên 27,5 điểm khoảng 700 em, do đó dự đoán mức điểm chuẩn năm nay có thể giảm nhẹ so với năm 2021.

PGS-TS Lê Đình Tùng lưu ý thí sinh khi đăng ký cần căn cứ vào phổ điểm thi, điểm trúng tuyển 2 năm liền kề của ngành đó và điểm thi của bản thân để lựa chọn. Thí sinh cũng cần xác định đâu là nguyện vọng yêu thích nhất để đặt lên đầu, trường hợp mong muốn theo học ngành Y khoa nhưng mức điểm chưa bảo đảm, thí sinh có thể tham khảo nhiều trường khác cùng đào tạo ngành này và có mức điểm thấp hơn.

3. Điểm chuẩn Đại học 2022 Khối D sẽ giữ nguyên hay giảm? 

Với khối D01, phổ điểm có sự tụt giảm từ mốc 22-23 điểm trở lên. Đặc biệt, tại mốc 26-27 điểm, số thí sinh đạt mức này giảm 2,25 lần so với năm 2021, từ 19.391 thí sinh xuống còn 8.609 thí sinh. Ngoài ra, năm 2022 không có thí sinh nào đạt mức 29-30 điểm. D01 là khối "đội sổ" năm nay khi có điểm trung bình là 18,13 điểm, giảm 0,79 điểm so với năm ngoái. Mức điểm thí sinh đạt được nhiều nhất là 18,6 điểm, thấp hơn năm ngoái 0,2. Dự kiến điểm chuẩn các ngành khối D1 sẽ giảm nhẹ. 

TS Hoàng Văn Quynh, Phó Trưởng phòng Đào tạo- ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, dù với khối C00, điểm thi môn Lịch sử tăng hay khối D01, điểm thi Ngoại ngữ giảm thì khả năng điểm chuẩn năm nay vẫn giữ ổn định như năm trước. Với trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, điểm chuẩn dự báo dao động từ 24-27 điểm.

Phân tích rõ hơn luận điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, năm 2022, khả năng cao là các trường dành chỉ tiêu theo phương thức điểm thi THPT theo tổ hợp nhiều hơn so với năm 2021 nên điểm chuẩn dự kiến các nhóm ngành sử dụng các tổ hợp môn thi cơ bản giữ như năm 2021.

Với riêng ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm nay trường phân bổ khoảng 20-30% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy chỉ tiêu cho phương thức này ít nhưng số lượng điểm 10 của thí sinh cũng giảm nên điểm chuẩn những ngành hot của trường được dự báo ổn định như năm 2021. 
► Thí Sinh Cần Làm Gì Sau Khi Biết Điểm Thi THPT Quốc Gia?
► Top 10 Sách Luyện Thi THPT Quốc Gia Môn Tiếng Anh